Điều mà nhà sản xuất như Apple không thích nhưng ví tiền của bạn và môi trường thì có!
Sự ra mắt liên tục của các dòng điện thoại mới trên thị trường khiến nhiều người chịu áp lực phải nâng cấp cho bằng bạn bằng bè.
Thường xuyên thay điện thoại không chỉ gây tổn hại cho ví tiền của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Trên thực tế, một chiếc smartphone không khác mấy với một chiếc ô tô.
Khi cha mẹ thấy con mình đủ lớn và đủ trách nhiệm, họ có thể cho chúng sử dụng. Có một số cách để thanh toán: mua một lần, trả góp. Và giống như ô tô, các mẫu điện thoại gần như không thể phân biệt được từ năm này sang năm khác.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa ô tô và điện thoại, hoặc ít nhất là cách mọi người đối xử với chúng. Chủ xe đưa xe đi bảo dưỡng và sửa chữa khi cần thiết. Nhưng khi một thứ gì đó cơ bản như pin điện thoại bắt đầu xuống cấp, mọi người thường thay thế toàn bộ thiết bị.
Kyle Wiens – người điều hành trang chuyên đăng hướng dẫn sửa chữa đồ điện tử iFixit, cho biết: “Khi lốp ô tô bị mòn, người ta chỉ thay thế lốp. Hầu hết mọi người không đối xử với thiết bị điện tử như với ô tô”.
Kết quả là, khoảng thời gian trung bình mà mọi người sở hữu một chiếc ô tô trước khi thay thế là khoảng 8 năm, nhỏ hơn so với thời gian sở hữu trước khi nâng cấp điện thoại là khoảng 3 năm rưỡi. Tuy nhiên nếu sử dụng đúng cách, tuổi thọ của một chiếc điện thoại tốt có thể kéo dài đến sáu năm.
Theo các chuyên gia thiết kế công nghiệp, việc sản xuất một chiếc điện thoại, cần ít nhất 70 vật liệu, sử dụng nhiều năng lượng và thường diễn ra ở các quốc gia nơi sản xuất điện tạo ra lượng khí thải carbon cao. Vì vậy, chúng ta nên nâng cấp điện thoại khi thực sự cần thiết.
Một nghiên cứu năm 2021 của Đại học Công nghệ Delft đã khảo sát 617 người mới thay thế smartphone và các sản phẩm điện tử khác. Khảo sát hỏi họ đã dùng thiết bị trước đó trong bao lâu và lý do nâng cấp. Những người có điện thoại bị hỏng hoặc trục trặc được hỏi liệu họ có cân nhắc sửa chữa hay không.
Lý do phổ biến nhất được đưa ra là hiệu suất giảm, chẳng hạn như phần mềm chậm hơn hoặc pin xuống cấp. Chỉ 30% nói rằng họ cân nhắc sửa chữa khi điện thoại hỏng thay vì mua mới. Lý do phổ biến thứ hai chỉ đơn giản là chủ sở hữu cảm thấy đã đến lúc mua một chiếc điện thoại mới.
Ruth Mugge - giáo sư thiết kế tại Delft và là tác giả của nghiên cứu, cho biết mọi người đã hiểu sai rằng ba năm rưỡi là khoảng thời gian mà một chiếc điện thoại có thể tồn tại.
Một trở ngại khác là smartphone hiện nay thường rất khó để tự sửa chữa đối với người bình thường và các bộ phận thay thế không phải lúc nào cũng rẻ.
Một nghiên cứu của Consumer Reports cho thấy nhiều người muốn sửa điện thoại khi chúng hỏng nhưng gặp trở ngại. Trong số những người có điện thoại bắt đầu hỏng trong 5 năm qua, 25% đã cố gắng mang điện thoại đi sửa nhưng cuối cùng lại phải thay thế. Số còn lại tiếp tục sử dụng mà không cần sửa chữa hay thay thế.
Lời khuyên của các chuyên gia là với chiếc điện thoại mới mua, bạn hãy đối xử với nó như một chiếc ô tô. Nếu điện thoại vẫn hoạt động bình thường và chỉ bị chai pin, bạn chỉ nên thay pin.
Trong khi thợ bảo dưỡng có thể nhắc bạn mốc thời gian để bảo dưỡng xe, không ai nhắc bạn về điện thoại. Tuy nhiên, bạn có thể tự làm việc này. Ví dụ, bạn có thể đặt lịch nhắc mang điện thoại đi thay pin mới 3 năm một lần.
Ngoài ra, bạn cũng nên định kỳ xóa ứng dụng, ảnh và video không cần nữa để giải phóng dung lượng và tăng tốc hoạt động cho điện thoại. Một vấn đề quan trọng không kém, việc thay mới một bộ phận sẽ rẻ hơn tương đối so với việc mua mới. Tất nhiên, nếu chi phí của việc thay một bộ phận tương đương với việc mua mới, bạn có thể chọn phương án thứ hai.
Lee Vinsel, tác giả của cuốn sách “Ảo tưởng đổi mới”, cho biết bạn cũng có thể nhắc nhở bản thân tự kiềm chế khi xem quảng cáo điện thoại mới. Điều đó cũng bao gồm việc không nâng cấp điện thoại chỉ vì người xung quanh đang làm như vậy.
Theo New York Times, việc sửa chữa điện thoại đang được cải thiện. Năm ngoái, Ủy ban Thương mại Liên bang (Mỹ) thông báo rằng họ sẽ xử lý các công ty ngăn cản mọi người sửa chữa thiết bị của mình. Và đạo luật của tiểu bang New York vào tháng 6, yêu cầu các công ty công nghệ mở quyền truy cập vào các công cụ chẩn đoán và sửa chữa điện tử, đang chờ chữ ký của Thống đốc Kathy Hochul.
Nhờ đó, việc tự sửa chữa đang dần trở nên đơn giản hơn. Tháng 4 vừa qua, Apple đã bắt đầu cho người dùng tự thay pin, màn hành và camera trên iPhone mà không cần đến trung tâm bảo hành hay cửa hàng ủy quyền của hãng.
Chương trình được Apple triển khai từ ngày 27/4 tại Mỹ và sẽ được mở rộng sang các thị trường khác. Apple cho thuê bộ công cụ chuyên dụng với giá 49 USD/tuần. Ngoài ra, người dùng có thể mua riêng các công cụ khác.
Theo các chuyên gia, điều cần thay đổi tiếp theo là tư duy của chúng ta!
Nguồn: NYT
Mộc Tiên