Điều làm nên “phép màu” trong vụ máy bay bốc cháy ở Nhật Bản
Sự cố tại sân bay bận rộn của Nhật Bản là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên liên quan đến Airbus A350 – mẫu máy bay phản lực đường dài 2 động cơ hàng đầu châu Âu.
Không có từ nào khác hơn ngoài “phép màu” có thể mô tả tình huống thoát nạn của 379 người trên chuyến bay 516 của hãng hàng không Japan Airlines (JAL) hôm 2/1.
Các video cho thấy chiếc máy bay chở khách bốc cháy dữ dội khi hạ cánh xuống sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo sau khi va chạm với một máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG).
Ngọn lửa dữ dội lan dọc chiếc Airbus A350, khung cảnh bên trong hoảng loạn khi sức nóng của ngọn lửa ngày càng tăng. Phi công cố gắng giữ quyền kiểm soát, cho máy bay dần dần dừng lại khi khói bắt đầu tràn vào cabin.
Khi lửa bao trùm thân máy bay, 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn rời đi bằng cầu trượt trong trạng thái tương đối bình tĩnh và dường như không có hành lý xách tay. Các cơ quan an toàn hàng không từ lâu đã cảnh báo rằng việc dừng lại để nhặt hành lý xách tay có nguy cơ gây tử vong trong quá trình sơ tán.
Đó là một pha thoát chết trong “đường tơ kẽ tóc”, một điều kỳ diệu khi tất cả mọi người đều đã rời đi an toàn. Đội cứu hỏa sau đó đã phải chiến đấu với ngọn lửa dữ dội đến mức đốt cháy toàn bộ cấu trúc của máy bay.
Điều không may là 5 người trên chiếc De Havilland Dash-8 của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản va chạm với chiếc Airbus đã thiệt mạng. Phi công sống sót nhưng bị thương nặng. Họ đang trên đường tới Niigata để viện trợ cho các nạn nhân của trận động đất mạnh ngày đầu năm mới.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gửi lời chia buồn tới gia đình của 5 người thiệt mạng, những người mà ông cho rằng đã hy sinh thân mình khi cố gắng giúp đỡ người khác. Ông cũng khen ngợi phi hành đoàn và hành khách của Japan Airlines vì sự bình tĩnh của họ.
Mối nguy từ va chạm trên mặt đất
Các cuộc điều tra hiện đang được tiến hành trong khi phần còn lại của chiếc máy bay chở khách khổng lồ đang cháy âm ỉ. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên sẽ là khôi phục hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay và các bản ghi âm giọng nói trong buồng lái.
Ủy ban An toàn Giao thông Nhật Bản (JTSB) sẽ dẫn đầu nỗ lực điều tra với sự tham gia của các cơ quan từ Pháp – nơi chiếc Airbus được chế tạo, và từ Anh – nơi 2 động cơ Rolls-Royce được sản xuất, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết hôm 3/1.
Các chuyên gia cảnh báo còn quá sớm để xác định nguyên nhân và nhấn mạnh rằng hầu hết các vụ tai nạn đều do nhiều yếu tố gây ra. Họ cũng cho biết vị trí xảy ra vụ tai nạn có nghĩa là bằng chứng vật lý, dữ liệu radar và lời kể của nhân chứng hoặc cảnh quay camera có thể sẽ có sẵn, phần nào giúp giảm bớt gánh nặng cho khâu pháp y.
Japan Airlines cho biết, vụ va chạm xảy ra gần như ngay lập tức sau khi chiếc Airbus của họ hạ cánh lúc 5h46 chiều giờ địa phương (3h46 chiều giờ Việt Nam) xuống Haneda, một trong những sân bay bận rộn nhất của Nhật Bản.
Cơ trưởng đã được phép hạ cánh nhưng có khả năng không thể nhìn thấy chiếc máy bay tuần tra hàng hải Dash-8 nhỏ hơn ở bên dưới, các giám đốc điều hành của hãng hàng không cho biết trong một cuộc họp báo đêm muộn hôm 2/1.
“Một câu hỏi hiển nhiên là liệu máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển có ở trên đường băng hay không và nếu có thì tại sao nó lại ở đó”, ông Paul Hayes, Giám đốc An toàn Hàng không của Công ty tư vấn Ascend by Cirium có trụ sở tại Anh, nói với Reuters hôm 3/1.
Và theo dữ liệu sơ bộ năm 2023, vụ va chạm giữa máy bay Dash-8 của cảnh sát biển Nhật Bản với một chiếc máy bay chở khách có chiều dài gấp 3 lần nó diễn ra sau một trong những năm an toàn nhất trong ngành hàng không.
Vụ việc cũng xảy ra sau khi Tổ chức An toàn Chuyến bay có trụ sở tại Mỹ cảnh báo vào tháng trước về nguy cơ va chạm đường băng và tình trạng gia tăng các vụ “xâm nhập” đường băng khi bầu trời trở nên tắc nghẽn hơn.
“Bất chấp những nỗ lực trong nhiều năm để ngăn chặn các vụ xâm nhập, chúng vẫn xảy ra”, ông Hassan Shahidi, CEO của Flight Safety Foundation, cho biết trong một tuyên bố. “Nguy cơ xâm nhập đường băng là mối lo ngại toàn cầu và hậu quả tiềm ẩn của một vụ xâm nhập là rất nghiêm trọng”.
Mặc dù các vụ va chạm trên mặt đất gây thương tích hoặc thiệt hại đã trở nên hiếm gặp nhưng khả năng gây tử vong của chúng nằm ở mức cao nhất so với bất kỳ loại sự cố hàng không nào, và các vụ “suýt” va chạm đang xảy ra phổ biến hơn.
Vụ va chạm giữa 2 chiếc Boeing 747 ở Tenerife, Tây Ban Nha năm 1977, khiến 583 người thiệt mạng, vẫn là vụ tai nạn chết người nhất cho đến nay của ngành hàng không toàn cầu.
Ông Steve Creamer, cựu giám đốc cấp cao của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, cho biết việc ngăn chặn máy bay hạ cánh đâm vào máy bay là một trong 5 ưu tiên an toàn hàng đầu toàn cầu.
Mặc dù hạ cánh tự động ngày càng tăng, các chuyên gia cho rằng phần lớn vẫn phụ thuộc vào việc kiểm tra trực quan của phi công, trong khi họ có thể bị phân tâm do khối lượng công việc cao hoặc bị khuất tầm nhìn.
“Tôi nghĩ cuộc điều tra sẽ tập trung nhiều vào các giấy phép... và sau đó là những gì phi hành đoàn của Japan Airlines có thể nhìn thấy. Liệu họ có thể nhìn thấy chiếc máy bay của lực lượng cảnh sát biển trên đường băng”, ông John Cox, cựu điều tra viên tai nạn hàng không Mỹ, cho biết.
Hãng hàng không 7 sao
Trong khi các cuộc điều tra về những gì đã xảy ra trong vụ việc khiến máy bay bốc cháy như một quả cầu lửa đang được tiến hành, các chuyên gia cho rằng việc sơ tán thành công toàn bộ hành khách và phi hành đoàn là nhờ sự kết hợp giữa các tiêu chuẩn an toàn hiện đại và văn hóa an toàn nghiêm ngặt của Japan Airlines.
“Từ những gì tôi thấy trên đoạn phim, tôi rất ngạc nhiên và nhẹ nhõm khi mọi người đã thoát ra ngoài”, ông Graham Braithwaite, Giáo sư về điều tra an toàn và tai nạn tại Đại học Cranfield (Anh), cho biết.
“Đó là một tác động nghiêm trọng mà bất kỳ chiếc máy bay nào cũng phải chịu đựng được. Nhưng với những gì tôi biết về Japan Airlines, cũng như mức độ nỗ lực của họ trong việc đảm bảo an toàn và đào tạo phi hành đoàn, việc họ làm tốt công việc như vậy không có gì đáng ngạc nhiên”.
Theo ông Braithwaite, trên thực tế, chính vụ tai nạn thảm khốc cách đây gần 40 năm đã giúp Japan Airlines (JAL) trở thành một hãng hàng không an toàn như vậy.
Vào ngày 12/8/1985, chuyến bay 123 của JAL từ Tokyo đến Osaka bị rơi, khiến 520 trong số 524 người trên máy bay thiệt mạng, sau khi các kỹ thuật viên của Boeing – không phải thành viên của JAL – sửa chữa lỗi phần đuôi sau một sự cố trước đó. Cho đến ngày nay, đây là vụ tai nạn máy bay đơn lẻ nguy hiểm nhất trong lịch sử hàng không.
“Rõ ràng ảnh hưởng của sự cố năm 1985 là rất sâu sắc đối với hãng hàng không Nhật Bản ”, ông Braithwaite nói. “Trong một nền văn hóa như Nhật Bản, họ nhận trách nhiệm đó với tư cách tập thể và muốn đảm bảo rằng sẽ không có chuyện tương tự xảy ra nữa. Vì vậy, khi có sự cố xảy ra, họ sẽ xem đó là cách họ có thể học hỏi. Mọi thứ đều là cơ hội để cải thiện”.
Năm 2005, nhận ra rằng nhiều nhân viên đã gia nhập công ty mà không còn ký ức về vụ tai nạn đã lùi xa 20 năm, JAL đã mở một không gian trong trụ sở công ty để trưng bày các mảnh vỡ cũng như câu chuyện của phi hành đoàn và hành khách.
“Cảm giác là có những người tham gia ngành hàng không mà không biết cảm giác sai sót là như thế nào. Mọi người phải hiểu cần bao nhiêu nỗ lực để đạt được sự an toàn”, ông Braithwaite nói, cho biết thêm rằng gần 4 thập kỷ trôi qua, vụ tai nạn vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý công ty.
“Họ có văn hóa rất nghiêm ngặt về các quy trình vận hành tiêu chuẩn và thực hiện mọi việc đúng cách. Đó là một trong những lý do trong trường hợp này, tôi nghĩ phi hành đoàn dường như đã thể hiện rất tốt”, ông Braithwaite nhận định.
Mặc dù không rõ ai là người chịu trách nhiệm cho vụ tai nạn hôm 2/1, nhưng ông Braithwaite cho rằng việc sơ tán thành công toàn bộ máy bay là một điều tích cực đối với Japan Airlines. Ông nói: “Nếu các vị muốn biết lý do tại sao các vị nên bay cùng họ, tôi nghĩ đây chính là lý do”.
JAL thường xuyên được vinh danh trong số các hãng hàng không an toàn nhất thế giới trong danh sách hàng năm của trang web Airlineratings.com.
“Hãng hàng không Nhật Bản đã đạt được (kỷ lục) an toàn tuyệt vời kể từ năm 1985. Tuy nhiên, tai nạn đó không phải lỗi của hãng hàng không mà là do lỗi sửa chữa do Boeing thực hiện”, ông Geoffrey Thomas, Tổng biên tập Airlineratings.com, cho biết.
“JAL được trang web của chúng tôi đánh giá là hãng hàng không 7 sao hàng đầu và đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra an toàn quan trọng. Ngoài ra, cơ quan quản lý an toàn hàng không của Nhật Bản thực hiện tốt hơn 8 tiêu chí giám sát so với mức trung bình của thế giới về tuân thủ” .
Minh Đức (Theo Reuters, CNN, PBS News)