Điều kỳ diệu đến với người con trai được mẹ hiến da cứu sống

Chia sẻ Facebook
19/08/2022 21:01:36

Ở tuổi xế chiều, một mình bà Hà gánh vác cả anh con trai ngoài 40 tuổi lẫn người chồng không còn minh mẫn. Dù vất vả nhưng chỉ cần nhìn thấy những người thân yêu khỏe mạnh là bà hạnh phúc.

Trên đời này chẳng có ai thương con bằng mẹ. Vì con mẹ sẵn sàng hi sinh đánh đổi mọi thứ, kể cả là sức khỏe hay sinh mạng của mình. Và bà Võ Thị Thu Hà (59 tuổi, ngụ ấp Tà Lóc, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) cũng là một bà mẹ vĩ đại như vậy.

Bà Hà một tay lo liệu cho con trai sau sự cố bất ngờ. (Ảnh: Thanh Niên/Dân Trí)


Liên tiếp biến cố ập đến

Báo Thanh Niên đăng tải, gia đình bà Hà vốn thuộc diện hộ cận nghèo. Cách đây nhiều năm, vợ chồng bà chỉ có thể đi làm thuê vì không có đất canh tác. Cuộc sống yên bình qua đi cho đến năm 2013, chồng bà Hà va chạm giao thông bị thương nặng. Dù giữ được tính mạng nhưng ông bị di chứng cử động khó khăn, trí nhớ không ổn định.

Những vết sẹo vẫn còn trên cơ thể anh Phương. (Ảnh: Thanh Niên)

7 năm sau, một lần nữa biến cố lại xảy đến. Tháng 11 năm ấy, con trai bà Hà là anh Thái Minh Phương (41 tuổi) chẳng may bị sự cố với xăng. Anh được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Kiên Giang trong tình trạng tổn thương 80% diện tích cơ thể, tiên lượng khó giữ đôi chân. Sau đó anh tiếp tục chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Để lo chi phí cho con, bà Hà vay mượn khắp nơi và nhận được hơn 200 triệu đồng từ các nhà hảo tâm.

Ngày ngày bà Hà đều rửa vết thương cho con. (Ảnh: Thanh Niên)

Thời điểm đó, anh Phương phải trải qua 10 lần phẫu thuật liên tục, trong đó có 4 lần bà Hà chấp nhận cho con da của mình để cấy ghép. Tuy nhiên cũng vì hiến tặng con da đùi mà sức khỏe bà Hà suy giảm nhiều. Mỗi khi thời tiết thay đổi bà đau đớn vô cùng, nhưng chỉ cần nhìn con dần bình phục là bà hạnh phúc.


Bà Hà tâm sự, bà từng xin bác sĩ lấy thêm da của mình ghép cho con, nhưng họ nói rằng nếu lấy thêm bà sẽ gặp nguy hiểm. "May mắn thay, lượng da vừa đủ nên con tôi qua cơn nguy kịch", bà nghẹn ngào nói trên báo Thanh Niên.

Chân bà Hà vẫn còn vết tích sau nhiều lần cho con da cấy ghép. (Ảnh: Thanh Niên)


Một mình gánh vác cả chồng con

Đến nay, sau 2 năm trải qua sự cố, anh Phương đã dần ổn định hơn nhưng không thể đi lại bình thường. Hơn nữa những vết thương cũng khiến anh tự ti nhiều. Được biết, anh Phương có vợ con nhưng do vợ phải lo con nhỏ nên bà Hà đã đón anh Phương về chăm sóc, thỉnh thoảng vợ anh đến thăm nom.

Anh Phương đã có thể dùng xe đi bán vé số. (Ảnh: Dân Trí)

Nghĩ đến người mẹ vất vả bao năm, nay ở tuổi xế chiều vẫn chưa hết cực nhọc cùng với đứa con thơ dại, anh Phương tự động viên mình cố gắng. Hiện anh đã đi bán vé số để kiếm thêm thu nhập, mỗi ngày được khoảng 100 tờ.


Anh xúc động nói về mẹ: "Mẹ như sinh ra tôi lần 2, kiếp này tôi chẳng thể trả hết công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Chỉ biết cố gắng sống tiếp để đáp đền."

Bà Hà chính là một người mẹ vĩ đại. (Ảnh: Dân Trí)

Trong khi đó, chồng bà Hà cũng đạp xe đi bán vé số, nhưng do tinh thần không minh mẫn nên nhiều lần gặp người không tốt, phải bỏ tiền túi ra đền cho đại lý. Còn bà Hà, một ngày của bà bắt đầu từ 4h sáng. Sau khi vệ sinh cho con, bà lại lật đật đi bán bánh chuối ở trụ sở ấp Tà Lóc.

Căn nhà cấp 4 của gia đình bà Hà. (Ảnh: Dân Trí)

Tấm lòng hi sinh của bà Hà khiến bà con ấp Tà Lóc ai cũng biết đến và nể phục. Có lẽ ai làm mẹ cũng sẽ trở nên vĩ đại như thế.


Người mẹ giúp con chinh phục ước mơ đến trường

Giống như bà Hà, bà Thị Ly (53 tuổi, ngụ huyện Vị Thủy, Hậu Giang) cũng từng nhiều năm cõng con đến trường và nguyện dành trọn đời chăm sóc con. Báo Thanh Niên viết, vợ chồng bà Ly sinh 4 người con, trong khi 3 bé đầu đều bình thường khỏe mạnh thì con gái út Phạm Thị Nhí (năm nay 20 tuổi) lại bị khiếm khuyết bẩm sinh, đôi chân co quắp không đi lại được.

Nhí không thể di chuyển do khiếm khuyết bẩm sinh nên luôn được mẹ bế đi khắp nơi. (Ảnh: Thanh Niên)

Những năm đầu đời, bà Ly vô cùng vất vả để giúp Nhí dần quen với tư thế ngồi. Đến khi học cấp 1, bất kể mưa nắng bà đều cần mẫn bế con đến trường. Rồi cứ thế lên cấp 2, cấp 3, quãng đường ngày một xa thêm nhưng bà Ly không chút nề hà.

Ngày ngày bà đều đưa con đến trường. (Ảnh: Thanh Niên)


Năm Nhí học lớp 11, tại TP. Cần Thơ có chương trình phẫu thuật miễn phí cho hoàn cảnh khó khăn, bà Ly liền bế con đến xin. Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng trường hợp của em quá khó, không thể thực hiện. Nghe Nhí hỏi: "Con vĩnh viễn không thể đi lại, chạy nhảy như các bạn hả mẹ", lòng bà Ly như thắt lại.

Thế rồi, bà lại tiếp tục trở thành đôi chân của con. Hiện tại, cô bé Nhí ngày nào đã trở thành sinh viên trường Cao đẳng Cần Thơ. Người mẹ tần tảo ấy lại gác hết công việc ở quê lên Cần Thơ sống để đưa con đến giảng đường.

Thầy cô ở trường vẫn thường đùa rằng bà Ly chính là "bạn cùng tiến" của con. (Ảnh: Thanh Niên)


Nhìn con trưởng thành, bà Ly bày tỏ sự hạnh phúc nhưng vẫn có nhiều trăn trở: "Tôi sợ khi ra trường khó khăn xin việc làm. Lo lắng nhất vẫn là khi tôi già yếu không còn bế Nhí được nữa. Nghĩ đến lúc đó tôi chưa biết phải xoay xở cho con như thế nào."

Tình yêu của mẹ chính là thứ kỳ diệu nhất trên đời này, nó có thể giúp chúng ta vượt qua mọi nghịch cảnh. Còn bạn, bạn có suy nghĩ ra sao về câu chuyện trên? Hãy chia sẻ với chúng tôi nhé!


Cùng cập nhật những tin tức mới nhất tại YAN

Mang nặng đẻ đau, sinh con ra rồi nuôi con khôn lớn, người mẹ nào cũng mong con cái mình sẽ trưởng thành bình an, luôn vui vẻ hạnh phúc. Tuy nhiên những sự cố bất ngờ xảy ra chẳng ai lường trước được. Trong giây phút nguy cấp ấy, chỉ có cha mẹ là những người quên hết tất cả để bảo vệ con. Vì thế, nếu chúng ta còn đang được sống đủ đầy, đầm ấm bên gia đình thì hãy trân trọng những giây phút quý giá ấy và đừng quên nói những lời yêu thương với đấng sinh thành.


Xem thêm tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook