Điều hành với thực tiễn có “độ trễ”, Bộ Công thương dự kiến rút ngắn kỳ điều chỉnh giá
Người dân Hà Nội và nhiều nơi vẫn đang phải vật vờ xếp hàng mua xăng dầu do tình trạng cây xăng đóng cửa, bán “nhỏ giọt” chưa được khắc phục. Lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng điều chỉnh giá 10 ngày/lần không còn phù hợp, có thể rút ngắn xuống 5 ngày/lần, hoặc xin ý kiến rộng rãi nếu được sẽ điều chỉnh giá theo ngày. Nguyên nhân là do “thị trường xăng dầu dị biệt” nên quy định điều hành với thực tiễn có “độ trễ”.
Theo ghi nhận của truyền thông trong nước, người dân Hà Nội, TP.HCM và một số nơi vẫn vật vờ xếp hàng chờ đợi rất lâu để được mua xăng dầu hoặc đi xa hàng chục km mới có chỗ bán. Điều này đã được phản ánh từ đầu tháng 10 đến nay chưa được khắc phục.
Liên tiếp những ngày gần đây, các cây xăng ở Hà Nội thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải khi có rất đông người dân xếp hàng đổ xăng. Việc phải chờ đợi từ 30 phút đến cả tiếng đồng hồ để đổ xăng đã trở thành câu chuyện quen thuộc đối với người dân Thủ đô, trang Zing đưa tin.
Bà Lan (người dân sinh sống trên địa bàn quận Đống Đa) cho biết: “Gần 1 tuần nay tôi mới đi đổ xăng thì gặp phải tình trạng này, để đổ được đầy bình xăng cho chiếc xe máy, tôi đã phải đứng chờ 40 phút”.
Do phải chờ đợi quá lâu, anh Đạt (người dân sinh sống trên địa bàn quận Đống Đa) thậm chí còn ngủ gật ngay trên yên xe. “Do phải đợi ở đây lâu quá nên mình mệt ngủ thiếp đi vài phút, mình đã đợi ở đây hơn 30 phút rồi mà cửa hàng vẫn báo đang bơm xăng, không biết khi nào mới đổ được”.
Còn ở TP.HCM, chiều ngày 1/11, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết có gần 20% cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM thiếu hàng (tính ở thời điểm 12h cùng ngày), tương đương 108/550 cây xăng không còn đủ hàng bán cho người dân.
Tại cây xăng nằm trên quốc lộ 1A (Quận 12) treo biển đóng cửa đến sáng 1/11 vẫn chưa nhập được hàng. Nhân viên tại đây cho biết lượng xăng về nhỏ giọt nên không có hàng bán cho khách. Tương tự, ở quận Gò Vấp, cây xăng trên đường Nguyễn Oanh cũng xảy ra tình trạng hết xăng, Vnexpress đưa tin.
Ngày 11/10, TP.HCM tăng lên 137 cây xăng “hết xăng”
Trong khi đó, tại cây xăng trên đường Thống Nhất liên tục hết hàng vào mỗi buổi sáng và chỉ mở bán vài tiếng vào các buổi chiều tối. Dọc các tuyến đường quốc lộ 13 đi qua TP Thủ Đức, nhiều cây xăng cũng đóng cửa, số khác bán theo hạn mức 30.000 đồng/lượt.
Tại phiên chất vấn ngày 5/11, Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) phản ánh tình trạng nhiều cây xăng ở Hà Nội và TP.HCM không bán hoặc “bán theo giới hạn”, gây bức xúc cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Công thương – Nguyễn Hồng Diên trả lời: “Nghị định 95 quy định là 10 ngày một lần, chúng ta điều chỉnh giá xăng dầu, và căn cứ điều chỉnh là tính bình quân 10 ngày trước của thị trường thế giới”.
Ông Diên cho rằng “thị trường xăng dầu rất dị biệt trong bối cảnh thế giới hỗn loạn”. Do vậy, Nghị định 95 cho thấy nhiều khiếm khuyết.
Về số ngày điều chỉnh giá, ông Diên nói: “Thế giới thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ, cho nên chúng ta cố gắng đến đâu thì bao giờ quy định pháp luật cũng có độ trễ với thực tiễn”.
“Để đáp ứng với tình hình thay đổi hàng giờ là điều chúng ta mong muốn thôi”, ông Diên nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng điều chỉnh 10 ngày nếu không phù hợp sẽ rút xuống 5 ngày, còn theo ngày thì lấy ý kiến rộng rãi người dân, đa số đồng thuận thì sẽ nghiên cứu theo ngày.
Tuy Bộ trưởng Diên luôn nhiều lần khẳng định “Việt Nam chưa bao giờ thiếu xăng dầu” nhưng thực tiễn người dân xếp hàng đội nắng, dầm mưa để chờ đợi đổ xăng đã được truyền thông trong nước liên tục phản ánh.
Đức Minh
Bộ trưởng Tài chính đề xuất giao toàn bộ việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công thương
Bộ Tài chính cho biết nguồn cung xăng dầu thiếu hụt là do sản xuất lọc dầu không đạt kế hoạch, sản lượng nhập khẩu ít hơn nhu cầu trong nước.