Điều gì xảy ra nếu Mỹ không đạt được thỏa thuận về trần nợ?
Các thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ không kỳ vọng họ có thể đi đến một thỏa thuận về trần nợ sau cuộc họp ngày 9/5, và mọi việc không nằm ngoài dự đoán.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden hồi tháng 2, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết ông đã trải qua một cuộc gặp gỡ tốt đẹp liên quan đến các vấn đề tài chính.
Hơn 3 tháng sau, 2 người đàn ông tiếp tục ngồi lại với nhau trong bối cảnh cuộc đối đầu chính trị giữa họ ngày càng căng thẳng, và nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ lần đầu.
Sau cuộc họp quan trọng tại Nhà Trắng hôm 9/5, ông Biden và ông Kevin McCarthy vẫn không đạt được sự đồng thuận nào về cách chấm dứt tình trạng bế tắc của họ đối với khoản nợ và chi tiêu của chính phủ, dù thời gian đến ngày X (ngày Mỹ chính thức vỡ nợ) như lời cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen chỉ còn ngót nghét vài tuần.
Bế tắc hoàn bế tắc
Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong tình trạng cân bằng, 2 nhà lãnh đạo vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu của họ. Ông Biden yêu cầu Quốc hội nâng trần nợ vô điều kiện để tránh vỡ nợ, trong khi ông McCarthy khẳng định động thái như vậy phải đi kèm với các biện pháp hạn chế chi tiêu của chính phủ.
Gặp gỡ các phóng viên khi rời Nhà Trắng, ông McCarthy cho biết hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. “Tôi không thấy bất kỳ tiến triển nào”, ông McCarthy chia sẻ.
2 bên đã đồng ý để các nhân viên cấp dưới của mình gặp nhau từ nay đến hết tuần để thảo luận về về mức chi tiêu của chính phủ trong năm tới. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận như vậy không nhất thiết liên quan đến việc tăng trần nợ, theo Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, một lãnh đạo đang Dân chủ.
“Chúng tôi có thể đồng ý với một số điểm, nhưng một số điểm khác vẫn cần phải thương lượng thêm” ông Schumer cho biết.
Chính phủ Mỹ đã chạm mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD theo quy định của pháp luật . Bộ Tài chính Mỹ cho biết, họ sẽ cố gắng hết sức để giúp Mỹ tránh vỡ nợ vào cuối tháng 5.
Trong trường hợp vỡ nợ, Mỹ sẽ không thể chi trả cho các khoản chi tiêu đã được phê duyệt trước đó. Theo các chuyên gia, đây sẽ là một cú sốc đối với nền kinh tế trong nước và trên toàn thế giới , khiến hàng triệu người mất việc làm.
Cả Nhà Trắng và ông McCarthy đều bác bỏ ý tưởng tăng trần nợ ngắn hạn để có thêm thời gian thảo luận, nhưng thời gian không còn nhiều. Theo ông McCarthy, các nhà lãnh đạo Quốc hội và ông Biden sẽ phải đạt được một thỏa thuận vào tuần tới để thông qua luật nâng trần nợ vào đầu tháng 6.
Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ bay tới Nhật Bản vào tuần tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo cho Nhóm G7, sau đó tham dự hội nghị thượng đỉnh về an ninh ở Úc. Trao đổi với các phóng viên sau cuộc họp, ông Biden cho biết, ông có thể sẽ phải hoãn chuyến đi vì cuộc thảo luận về trần nợ là “điều quan trọng nhất trong chương trình nghị sự”.
Lựa chọn khó khăn
Sự bế tắc có thể làm rung chuyển thị trường tài chính trong thời gian tới, khi các nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng chính phủ liên bang sẽ không trả được nợ và bắt đầu trì hoãn các khoản thanh toán cho nhân viên chính phủ, người nhận an sinh xã hội và những người khác.
Theo Trung tâm Chính sách lưỡng đảng Mỹ, quốc gia này sẽ phải chi khoảng 50 tỷ USD tiền trợ cấp an sinh xã hội vào nửa đầu tháng 6, ngoài ra còn có hơn 20 tỷ USD thanh toán cho các nhà cung cấp hỗ trợ y tế, 6 tỷ USD tiền lương liên bang, 12 tỷ USD tiền trợ cấp cựu chiến binh và 1 tỷ USD tiền trợ cấp dinh dưỡng bổ sung (SNAP). Những con số này chỉ là một phần trong danh sách đầy đủ những thứ mà chính phủ Mỹ phải chi trong thời gian tới.
Hiện tại, vẫn chưa chắc chắn Bộ Tài chính Mỹ sẽ chọn ưu tiên trả một số khoản nhất định hay hoãn thanh toán các hóa đơn của chính phủ. Chính quyền ông Biden đã bác bỏ ý tưởng ưu tiên thanh toán một số hóa đơn vì cho rằng điều đó là không công bằng và gây ra sự gián đoạn kinh tế trên diện rộng.
Trung tâm chính sách lưỡng đảng Mỹ cho biết, một kịch bản có khả năng xảy ra hơn trong trường hợp vỡ nợ, là Bộ Tài chính Mỹ sẽ chọn trì hoãn tất cả các hóa đơn, đợi cho đến khi có đủ doanh thu để trang trải tất cả các khoản thanh toán.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Bộ Tài chính Mỹ có thể thanh toán các hóa đơn cho đến ngày 15/6 hay không. Sau khi bà Yellen đưa ra cảnh báo vào tuần trước, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cũng cho biết, họ nhận thấy rủi ro đáng kể là Bộ Tài chính sẽ hết tiền vào đầu tháng 6.
Nếu bộ này có thể cầm cự đến cuối tháng 6, thì họ có thể huy động thêm khoảng 145 tỷ USD tiền thuế nhờ “các biện pháp đặc biệt” mới, giúp Quốc hội và Nhà Trắng có thêm thời gian đàm phán về một thỏa thuận liên quan đến việc nâng trần nợ .
Nguyễn Tuyết (Theo Washington Post, Politico)