Điều gì xảy ra khi Nga yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble?
Yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble của Tổng thống Nga Putin đã gây ra khó khăn mới cho những người mua khí đốt Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/3 cho biết, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới này sẽ sớm yêu cầu các nước "không thân thiện" thanh toán tiền mua nhiên liệu bằng đồng nội tệ Nga - Ruble.
Yêu cầu này đã gây ra khó khăn mới cho những người mua khí đốt Nga chủ yếu là khách hàng châu Âu. Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga, chi trả các hóa đơn trị giá 200 - 800 triệu Euro/ngày (880 triệu USD/ngày) bằng đồng Euro và USD.
Tổng thống Putin đặt thời hạn 1 tuần cho Ngân hàng Trung ương Nga và các quan chức chính phủ tìm ra cách chuyển thanh toán sang đồng tiền Nga. Công ty khí đốt nhà nước Gazprom cũng được lệnh sửa đổi các hợp đồng của mình để phù hợp với động thái này.
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các lệnh trừng phạt, còn Mỹ, Anh và Canada đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng trung ương và năng lượng nhập khẩu từ Nga, trong một động thái phản ứng với chiến dịch hành động của Nga tại Ukraine.
Nếu Nga được trả tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble, nước này có thể tránh được một số lệnh trừng phạt tài chính đó. Theo công ty tư vấn Rystad Energy, gần như tất cả các hợp đồng mua khí đốt của Nga được tính bằng đồng Euro hoặc USD.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đồng Ruble đã giảm giá mạnh tới 85% so với đồng USD. Sau đó, đồng tiền này đã tăng trở lại so với đồng USD và tăng vọt trong thời gian ngắn sau thông báo trên của Tổng thống Putin.
Châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga để sưởi ấm và sản xuất điện. Hiện các thành viên EU đang chia rẽ về việc liệu có nên áp đặt lệnh trừng phạt vào lĩnh vực năng lượng của Nga hay không.
Phản ứng trước lời kêu gọi thanh toán bằng đồng Ruble của Tổng thống Putin, giá khí đốt bán buôn tại châu Âu đã tăng lên 44 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh (Btu) hôm 23/3.
Tuy vậy, các chuyên gia pháp lý cho biết không có khả năng Nga có quyền đơn phương thay đổi các điều khoản của hợp đồng đã tồn tại.
Tim Harcourt, nhà kinh tế trưởng tại Viện Chính sách Công và Quản trị tại Đại học Công nghệ Sydney cho hay hợp đồng mua bán được thực hiện giữa hai bên và nó thường được tính bằng đồng USD hoặc Euro. Vì vậy, nếu một bên đơn phương yêu cầu phải thanh toán bằng một đồng tiền khác, như vậy hợp đồng này có thể không còn hiệu lực.
Claudio Galimberti, Phó Chủ tịch cấp cao của Rystad Energy, cho biết Nga có thể tạo ra các hợp đồng mới yêu cầu thanh toán bằng đồng Ruble, song sẽ yêu cầu các chính phủ giữ đồng Ruble trong ngân hàng trung ương của họ hoặc mua chúng trên thị trường mở.
Trước đây Nga, Trung Quốc, Iran và các nước khác đã nhất trí sử dụng đồng USD trong giao dịch thương mại toàn cầu. Đối với Mỹ hiện nay, việc chuyển đổi đồng tiền tệ thanh toán thành công có thể góp phần làm giảm vai trò của đồng USD trong thương mại toàn cầu khi đồng Ruble, đồng Nhân dân tệ hoặc các loại tiền tệ khác được giao dịch ngày càng nhiều. Điều đó sẽ có những tác động lâu dài đối với chi phí vay và tài chính của Mỹ.
Việc tăng khả năng tích trữ khí đốt được kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo cung cấp năng lượng cho mùa Đông, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.