Điều gì thúc đẩy làn sóng máy kéo xuống đường ở Đức và châu Âu?

Chia sẻ Facebook
14/01/2024 04:35:21

Do giá phân bón và nhiên liệu tăng vọt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, nông dân cho biết họ đang cảm thấy sức ép trên khắp châu Âu.


Đức là quốc gia châu Âu mới nhất bị ảnh hưởng bởi làn sóng phản đối của nông dân. Trong một tuần hành động trên toàn quốc kéo dài đến ngày 12/1, nông dân ở nền kinh tế dầu tàu châu Âu đang phản đối đề xuất cắt giảm trợ cấp nhiên liệu sử dụng trong nông nghiệp.


Các đoàn xe gồm hàng nghìn máy kéo và xe tải đã gây ra tình trạng hỗn loạn giao thông và cô lập một số thành phố trong những ngày gần đây. Việc sản xuất tại một cơ sở của hãng xe hơi danh tiếng Volkswagen ở thành phố Emden, miền Bắc đất nước, thậm chí còn bị đình trệ.


Tuần trước, chuyến phà chở Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck trở về từ kỳ nghỉ cùng gia đình trên đảo Hallig Hooge ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc nước Đức, đã bị hàng trăm nông dân phong tỏa. Họ giận dữ trước việc Chính phủ định cắt giảm trợ cấp dầu diesel.

Các biểu ngữ có nội dung “Quá đủ rồi” (trái) và “Nông nghiệp tư duy theo thế hệ, không phải theo thời kỳ (lập pháp)” được dán trên máy kéo trong cuộc biểu tình phản đối kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ liên bang, ở Halle an der Saale, miền Đông nước Đức. Ảnh: AFP/Al Jazeera


Các cuộc biểu tình tương tự đã lan rộng khắp vô số các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), với một số trường hợp xảy ra bạo lực.


Nhằm mục đích thúc đẩy các biện pháp đã được lên kế hoạch được thực thi để giải quyết tình trạng ô nhiễm nitơ mãn tính, các cuộc biểu tình ở Hà Lan đôi khi đã gây ra các cuộc phong tỏa lớn trong vài năm qua. Cuộc biểu tình ở “xứ sở cối xay gió” thậm chí còn sinh ra một chính đảng mới vào năm 2019, gọi là Phong trào Nông dân theo chủ nghĩa dân túy (BBB).


Ở Bỉ, Tây Ban Nha và Pháp, nông dân cũng đã xuống đường để bày tỏ sự bất bình về tác động của các kế hoạch cải cách môi trường và chi phí cao. Ba Lan và các quốc gia Đông Âu khác cũng chứng kiến làn sóng tương tự, nhưng những làn sóng này chủ yếu liên quan đến việc ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn ngập thị trường EU.


Điểm tương đồng quan trọng


Ông Jan Douwe van der Ploeg, một nhà xã hội học nông nghiệp và cựu giáo sư tại Đại học Wageningen ở Hà Lan, nhận thấy điểm tương đồng quan trọng trong nhiều trường hợp này: Bảo vệ nguyên trạng.


Những lo ngại thường liên quan đến “quyền tiếp tục sử dụng các khoản trợ cấp có được trong quá khứ, hoặc tiếp tục sử dụng năng lượng hóa thạch hoặc thuốc trừ sâu. Tất cả đều là những biểu hiện rất rõ ràng của nền nông nghiệp công nghiệp hóa”, ông Van der Ploeg nói với DW.


Mặc dù đều là biểu tình, nhưng các cuộc biểu tình ở các quốc gia khác nhau được kích hoạt bởi các tình huống cụ thể của các quốc gia đó.


Các cuộc biểu tình của Đức liên quan đến trợ cấp dầu diesel, nông dân Tây Ban Nha gần đây nhắm đến các biện pháp tiết kiệm nước và những lo ngại của người biểu tình Pháp bao gồm chi phí tưới tiêu và nhiên liệu, cũng như chính sách thương mại của EU.

Hàng dài xe tải nối đuôi nhau trên đường ở Przemysl, Đông Nam Ba Lan, chờ qua cửa khẩu Ba Lan-Ukraine ở Medyka. Medyka-Shegyni là cặp cửa khẩu duy nhất chưa bị các tài xế xe tải Ba Lan phong tỏa nhằm yêu cầu EU khôi phục hạn ngạch vận tải để hạn chế số lượng xe tải Ukraine chạy vào Ba Lan. Ảnh: Straits Times


Theo bà Anne-Kathrin Meister thuộc Liên đoàn Thanh niên Nông thôn Đức (BDL), đơn giản là năng suất nông nghiệp không thể theo kịp với chi phí ngày càng tăng.


“Nếu các vị chỉ so sánh mức tăng giá của máy móc, thuốc trừ sâu và phân bón thì năng suất chưa bao giờ tăng ở mức tương tự”, bà Meister nói với DW qua điện thoại từ Berlin.


Theo bà Meister, những thách thức trong vài năm qua đã cộng hưởng với những thách thức hiện tại. Trong khi trọng tâm cắt giảm trợ cấp của Chính phủ Đức là động cơ diesel và xe cộ, “nó chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly”.


Ngành nông nghiệp Đức không phản đối cải cách môi trường nhưng nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn, bà Meister nhấn mạnh. Bà nói: “Nông dân là những người bị ảnh hưởng đầu tiên khi hệ thực vật và động vật bị suy thoái”.


Sự trỗi dậy của phe cực hữu


Đối với chính phủ Đức, cũng có lo ngại rằng các cuộc biểu tình đang bị phe cực hữu lợi dụng – điều đã được Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nêu rõ trong tuần này.


Bộ trưởng Kinh tế Habeck đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những điều lan truyền trên mạng liên quan đến các cuộc biểu tình, cũng như việc trưng bày các biểu tượng chủ nghĩa dân tộc.


Trong cuộc biểu tình hôm 8/1, nhiều máy kéo có biểu ngữ được dán biểu tượng của Đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, hiện đứng thứ 2 trong các cuộc thăm dò với tỉ lệ ủng hộ là 23%.


Trên các kênh truyền thông xã hội của mình, AfD đã vẽ ra một bức tranh về những người dân thường “bị hủy hoại bởi giới lãnh đạo chính trị vô trách nhiệm” và kêu gọi người dân tham gia cái mà Đảng này gọi là một cuộc “tổng đình công”, tờ The Guardian cho biết.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck không thể xuống phà tối ngày 4/1/2024 vì bị nông dân phong tỏa. Ảnh: Euronews


Ông Joachim Rukwied, chủ tịch Hiệp hội Nông dân Đức, đã cố gắng tạo khoảng cách giữa các cuộc biểu tình với những kẻ cực đoan. “Chúng tôi không muốn cánh hữu và các nhóm cực đoan khác có mong muốn lật đổ chính phủ tại các cuộc biểu tình của chúng tôi”, ông Rukwied nói với tờ Bild của Đức hôm 7/1.


Sự bất an của người nông dân được nhìn nhận một cách lo lắng từ Brussels. Trên hết, các quan chức EU lo ngại về sự kéo lùi đối với các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu được ghi thành luật. Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của khối, đã đặt mục tiêu tổng thể là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đối với nông nghiệp, những thay đổi theo kế hoạch bao gồm giảm 50% lượng thuốc trừ sâu hóa học vào năm 2030.


Với cuộc bầu cử ở EU dự kiến diễn ra vào tháng 6, một số người lo lắng rằng những kế hoạch được sắp xếp hợp lý này sẽ an toàn đến mức nào nếu Nghị viện châu Âu nghiêng về cánh hữu.


Theo ông Marco Contiero, một nhà hoạt động từ chi nhánh EU của nhóm chiến dịch khí hậu Greenpeace, nguy cơ này đã được thể hiện rõ ràng trong thời kỳ chính trị phẫn nộ về Luật Phục hồi Thiên nhiên.


Đạo luật này đã được Nghị viện châu Âu thông qua với tỉ số sít sao vào năm ngoái sau cuộc “phản kháng” vào phút cuối do Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu lãnh đạo. EPP, nhóm lớn nhất trong cơ quan lập pháp của khối, tự đặt mình là người bảo vệ lợi ích của nông dân trước kế hoạch trả lại đất nông nghiệp cho môi trường sống tự nhiên.


“Các đảng bảo thủ cũng như nhiều đảng cánh hữu hơn đã quyết định sử dụng hoặc lạm dụng các cộng đồng nông nghiệp như một công cụ bầu cử để đạt được kết quả tốt hơn”, ông Contiero nói với DW .


Minh Đức (Theo DW, The Guardian)

Chia sẻ Facebook