Điều gì sẽ xảy ra sau khi Elon Musk mua lại Twitter?
Sau nhiều tranh cãi, đề nghị mua lại mạng xã hội Twitter của tỷ phú Elon Musk đã chính thức được thông qua. Nhưng những gì sẽ diễn ra tiếp theo vẫn còn là ẩn số.
Những phản ứng sau khi đề nghị mua lại được chấp thuận
Ngày 25/4, các nguồn tin của Reuters tiết lộ, ban lãnh đạo của Twitter đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với đại diện của tỷ phú Elon Musk , và chỉ ít giờ sau, hai bên đã đi đến thỏa thuận. Đây được xem là một thắng lợi lớn với vị tỷ phú này, người từng tuyên bố ông mua Twitter "không vì động cơ tài chính" mà nhằm mục tiêu thúc đẩy tự do ngôn luận.
Điều này tiếp tục được nhắc tới, trong phát ngôn đầu tiên của ông sau khi thông tin được công bố: "Tôi hi vọng ngay cả những người phê phán tôi mạnh nhất cũng vẫn sẽ ở lại Twitter. Bởi đó chính là tự do ngôn luận" .
Thống đốc bang Texas Greg Abbott - nơi hãng xe điện Tesla vừa dời trụ sở tới cuối năm ngoái, cũng đăng tải thông điệp chúc mừng thương vụ, đồng thời hối thúc Elon Musk cũng chuyển trụ sở Twitter về Texas "cùng với Tesla, SpaceX và The Boring Company" - những công ty mà người giàu nhất thế giới đang điều hành.
Chính giới Mỹ nhìn chung tỏ ra khá chia rẽ về việc Elon Musk mua lại Twitter. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa tỏ ra hoan nghênh thương vụ này, nhấn mạnh lại quan điểm "tự do ngôn luận" của vị tỷ phú, coi đây là bước đi chống lại việc thắt chặt kiểm duyệt nội dung của các ông lớn công nghệ. Ở chiều ngược lại, các chính trị gia đảng Dân chủ tỏ ra hoài nghi về việc Twitter dưới "triều đại" Elon Musk liệu có sẵn sàng xử lý tình trạng tin giả hay phát ngôn kích động thù hận và bạo lực hay không.
Trong khi đó, giới chuyên gia đầu tư cũng đưa ra khá nhiều phân tích về cách mà Elon Musk thực hiện thành công thương vụ tưởng chừng như một "trò đùa" này. Yếu tố then chốt được nhắc đến, đó chính là sự ủng hộ của một loạt ông lớn tài chính, như Morgan Stanley, Bank of America hay Barclays, với các cam kết rót hơn 25 tỷ USD vốn vay cho thương vụ này, bên cạnh khoảng 21 tỷ USD mà ông Musk tự huy động.
Ở chiều ngược lại, ban lãnh đạo Twitter đã rơi vào tình thế mắc kẹt, bởi không có một "hiệp sĩ áo trắng" đưa ra lời đề nghị tốt hơn Elon Musk. Trong khi đề nghị 54,20 USD/cổ phiếu của ông còn thấp hơn giá cổ phiếu Twitter những năm trước, thì triển vọng doanh thu không quá sáng sủa của hãng vẫn thuyết phục được nhiều cổ đông rằng đây là lựa chọn tốt nhất có thể.
"Twitter là sự nuối tiếc lớn nhất của tôi, vì nó đã bị rơi vào vòng kiểm soát của Phố Wall và mô hình dựa vào quảng cáo. Rút nó khỏi phố Wall là bước đi đúng đắn đầu tiên. Elon là giải pháp duy nhất mà tôi tin tưởng, tôi tin vào sứ mệnh của anh ấy"
"Dù là ô tô hay mạng xã hội, các công ty hoạt động tại châu Âu đều phải tuân thủ các quy định của chúng tôi, bất kể chủ sở hữu là ai. Ông Musk đã hiểu rõ điều này"
So với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) mạnh tay hơn nhiều trong việc quản lý giới công nghệ. Hồi cuối tuần, khối này đã bật đèn xanh cho một dự thảo mới mang tên "Đạo luật Dịch vụ Số", nhằm buộc các công ty Internet siết chặt kiểm soát nội dung để bảo vệ người dùng.
Những câu hỏi chưa có lời giải
Ngay cả khi việc Elon Musk thâu tóm Twitter đã là hiện thực, thì giới phân tích vẫn còn khá nhiều hoài nghi về những tác động tiếp theo sau thương vụ này.
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là vị tỷ phú sẽ huy động như thế nào với con số 21 tỷ USD vốn riêng mà ông đã cam kết. Dù là người giàu nhất hành tinh, nhưng ông Musk hiện chỉ có khoảng 3 tỷ USD tiền mặt, và ông có thể sẽ phải bán cổ phiếu tại Tesla để gom đủ số tiền nói trên. Khả năng này đã khiến giá cổ phiếu Tesla giảm mạnh hơn 12% trong phiên vừa qua, thổi bay 126 tỷ USD vốn hóa.
Một vấn đề cũng được nhắc tới từ rất sớm, đó là Elon Musk sẽ quản lý Twitter như thế nào, trong khi cũng đang là CEO của Tesla, SpaceX và một số startup công nghệ khác. Trước đó ông từng cho biết, mình đang "chia sẻ đều thời gian giữa Tesla và SpaceX".
Khả năng ông sẽ giao việc quản lý Twitter cho một ban quản trị độc lập, giống như tỷ phú Jeff Bezos với báo Washington Post đã được nhắc tới. Những người ủng hộ vị tỷ phú thì tỏ ra lạc quan, bởi thực tế là dù có một lịch trình rất bận rộn, nhưng cả Tesla lẫn SpaceX dưới quyền của ông đều đang thu được những kết quả rất ấn tượng.
Một câu hỏi khác là đội ngũ điều hành Twitter sẽ ra sao sau thương vụ này. CEO hiện nay Parag Agrawal mới chỉ tại nhiệm vài tháng sau khi nhận lại chức vụ từ Jack Dorsey, nhưng ông đã sớm đương đầu với sóng gió trước những bước đi chóng mặt từ vị tỷ phú, từ việc mua cổ phần, đồng ý gia nhập hội đồng quản trị, rồi đổi ý và sau đó đề nghị mua toàn bộ công ty. Theo Bloomberg, ông sẽ tiếp tục tại vị đến khi việc chuyển giao hoàn thành, nhưng sau đó thì chưa có gì chắc chắn.
"Tôi ủng hộ Elon mua lại Twitter, vì anh ấy là một người tốt và sẽ mang đến nhiều cải tổ cho nó. Nhưng tôi sẽ tiếp tục với [mạng xã hội] Truth"
Việc đổi chủ cũng có thể mang đến thay đổi lớn với đội ngũ hơn 7.000 nhân viên của Twitter. Trong cuộc họp sau thương vụ, ban lãnh đạo hãng tuyên bố chính sách phúc lợi sẽ được giữ nguyên trong vòng 1 năm, và các khoản thưởng cho nhân viên bằng quyền chọn mua cổ phiếu thưởng sẽ được chuyển sang tiền mặt khi thương vụ hoàn tất.
Tuy nhiên, kế hoạch tuyển dụng mới hay tinh giản đội ngũ, đặc biệt khi hãng thay đổi về cách thức hoạt động, chẳng hạn như giảm kiểm duyệt nội dung, vẫn chưa được nhắc đến. Ban lãnh đạo cũng không có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này, nhất là khi họ cũng đang loay hoay tìm những câu trả lời cho mình.
"Đây là một giai đoạn biến động và chúng tôi không có tất cả thông tin về mọi vấn đề. Sau khi thương vụ khép lại, chúng tôi cũng không rõ công ty sẽ đi theo định hướng nào"