Điều gì khiến nhiều quốc gia vẫn phải trả phí cao kỷ lục dù giá dầu đã giảm mạnh 30%?
Giá dầu thô Brent đã giảm hơn 30% từ mức cao nhất trong năm nay. Tuy nhiên, nếu sống ở Paris, Mumbai hay Accra, bạn sẽ không thể nhận ra sự khác biệt này.
Giá dầu Brent toàn cầu giảm từ gần 128 USD/thùng diễn ra cùng lúc với việc đồng USD tăng vọt khoảng 15%. Điều này cho thấy, giá nhiên liệu vẫn là nguyên nhân lớn khiến chi phí sinh hoạt ở gần như cả thế giới vẫn tiếp tục tăng cao.
Những quốc gia, khu vực lớn có nhu cầu nhập khẩu dầu cao như Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) đều chứng kiến việc giá dầu thô sụt giảm trên thực tế lại không đáng kể so với giá tham chiếu thông thường. Bên cạnh đó, đối với một số thị trường mới nổi như Sri Lanka, tác động của việc giá dầu leo thang và đồng nội tệ sụt giá đã phần nào khiến nền kinh tế gần như sụp đổ hoàn toàn.
Giovanni Staunovo - nhà phân tích hàng hoá tại UBS Group, cho biết: “Đồng USD mạnh hơn là ‘cơn gió ngược’ với nhiều quốc gia tiêu thụ dầu mỏ khi đồng nội tệ của họ quá yếu so với đồng bạc xanh. Trong 12 tháng qua, giá dầu tính theo đồng nội tệ của các nước đã tăng cao hơn.”
Theo Bloomberg, tình trạng này khó có thể cải thiện. Việc các NHTW đồng loạt nâng lãi suất để hỗ trợ đồng tiền tệ có nguy cơ khiến nhiều nền kinh tế vốn đã yếu ớt sẽ càng giảm tốc, trong khi các nước đang phát triển phải chú ý nhiều hơn đến khoản dự trữ đồng USD.
Các nước EU phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu dầu. Do không có nguồn cung dầu thô trong nước, 5 nền kinh tế lớn nhất của khối - Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan, phụ thuộc ít nhất vào 90% hoạt động nhập khẩu để vận hành các nhà máy lọc dầu.
Trong bối cảnh đó, giá dầu tính theo USD tăng cao đã trở thành một vấn đề gây “đau đầu” đặc biệt đối với các quan chức NHTW châu Âu (ECB) trong 1 năm qua. Nguồn cung năng lượng sụt giảm do Nga cắt dòng chảy khí đốt đã khiến tỷ lệ lạm phát của khối tăng mạnh, đạt mức kỷ lục 9,9% trong tháng 9.
Các quốc gia châu Á cũng đang chịu tác động tương tự. Trong suốt tháng 8, giá trị nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng 50% so với 1 năm trước đó, dù tổng khối lượng thấp hơn do quốc gia này áp dụng chính sách zero Covid trong thời gian dài.
Tháng trước, thống đốc NHTW Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong đã bình luận rằng việc đồng won sụt giá đang tạo ra rào cản trong khi giá dầu đang giảm. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhiều lần tìm cách bảo vệ người tiêu dùng trước tác động của giá nhiên liệu tăng cao, bằng cách đưa ra các khoản trợ cấp nhằm chuyển một phần gánh nặng chi phí cho chính phủ.
Sự căng thẳng từ việc đồng USD tăng giá trở thành yếu tố thúc đẩy Ấn Độ tiếp cận với các đối tác thương mại gồm Ả Rập Xê Út, Nga và UAE để có thể giao dịch bằng đồng nội tệ. Trong năm nay, đồng rupee đã giảm khoảng 11% so với đồng USD.
Divya Devesh - chiến lược gia tiền tệ tại Standard Chartered, bình luận về tình hình giá dầu ở quốc gia Nam Á: “Nếu giá dầu thô vẫn duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng cao hơn, thì thâm hụt thương mại vẫn lớn, gây áp lực giảm giá đối với đồng rupee của Ấn Độ.”
Dù áp lực từ đồng USD đang lan rộng, các nền kinh tế mới nổi lại là những nơi chịu tác động nặng nề nhất. Khi được định giá bằng đồng cedi của Ghana, dầu thô Brent không chỉ cao hơn so với hồi tháng 3 mà là ở mức kỷ lục.
“Vòng xoáy” giá nhiên liệu tăng và thiếu hụt dự trữ ngoại hối đang tạo ra hậu quả nặng nề với một số quốc gia. Gần đây, Sri Lanka đã đóng cửa nhà máy lọc dầu duy nhất vì không thể trả tiền mua dầu thô. Nước này đã vỡ nợ cách đây vài tháng và gặp rất nhiều khó khăn để chi trả cho nguồn cung nhập khẩu thức ăn và nhiên liệu.
Trong khi các nước phát triển có nhiều thời gian hơn để “quen” với chênh lệch tỷ giá, thì “chắc chắn có những thị trường mới nổi sẽ gặp vấn đề về cán cân thanh toán do giá dầu tăng cao”, theo Caroline Bain, nhà kinh tế trưởng lĩnh vực hàng hoá tại Capital Economics.
Tham khảo Bloomberg