Điều gì khiến chứng khoán Việt Nam giảm mạnh 46 điểm trong phiên đầu tuần?

Chia sẻ Facebook
04/10/2022 00:04:47

Trong ngắn hạn và phần còn lại của năm 2022, chuyên gia DSC cho rằng thị trường sẽ không thủng vùng 1.000-1.030 điểm.

Tiếp tục là một phiên giao dịch kém tích cực với những nhà đầu tư chứng khoán khi VN-Index giảm sâu 46 điểm về mốc 1.086 điểm. Đà giảm của nhiều nhóm cổ phiếu trụ như Ngân hàng - Chứng khoán - Bất động sản - Thép cũng là "chuỗi domino" tạo áp lực bán tháo diện rộng trên thị trường.

Hàng loạt các cổ phiếu lớn bị bán mạnh trong phiên giao dịch. Thống kê 29/30 mã giảm điểm trong nhóm VN-30 có đến 11 mã giảm sàn. Hàng loạt cổ phiếu trụ giảm hết biên độ như HPG, SSI, STB, BID, CTG, GVR, MWG, TCB, POW,… là tác nhân kéo tụt chỉ số.

Nhà đầu tư quay cuồng khi danh mục chìm trong sắc đỏ, những người mạnh tay "bắt đáy" trong phiên thứ Sáu tuần trước lập tức chịu thua lỗ trong ngắn hạn. Điều đáng ngại không phải là mức giảm mạnh nói trên, mà là xu hướng giảm gần như không có bất kỳ nỗ lực hãm đà nào. Thanh khoản vẫn ở mức thấp trong phiên giảm mạnh cho thấy dòng tiền vẫn kiên quyết đứng ngoài, không chịu nhập cuộc khi chưa có tín hiệu tạo đáy rõ ràng.

Bàn về nguyên nhân cho đà giảm mạnh của thị trường, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Maybank Investment Bank cho rằng đà giảm của thị trường chủ yếu do:


Thứ nhất, áp lực bán giải chấp trên diện rộng tạo lên tâm lý bán trong hoảng loạn. Rõ ràng là sự sợ hãi đã gia tăng, nhà đầu tư không muốn mạo hiểm thêm, đặc biệt khi các cổ phiếu lẫn chỉ số xuyên thủng ngưỡng 4 hỗ trợ quan trọng chỉ trong vòng 2 tuần. Bên cạnh đó, loạt chỉ số chứng khoán Mỹ phá đáy phiên cuối tuần qua, cụ thể S&P 500 rơi xuống đáy mới trong gần hai năm, Dow Jones thủng mốc 29.000 điểm cũng khiến tâm lý thận trọng dâng cao.


Thứ hai, lạm phát tại nhiều quốc gia tại Châu Âu tăng vọt lên mức 2 chữ số. Theo đó, lạm phát của khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung Euro đã lên mức cao kỷ lục 10% trong tháng 9, tăng thêm từ mức 9,1% của tháng 8. Lạm phát tại nhiều nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau hàng loạt chính sách thắt chặt tiền tệ khiến tâm lý giới đầu tư toàn cầu cực kỳ thất vọng.

Tại Việt Nam, tuy vĩ mô vẫn duy trì ổn định, song chứng khoán kỳ vọng của tương lai. Trước diễn biến tiêu cực của nền kinh tế thế giới, nhà đầu tư lo ngại Việt Nam sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng.


Thứ ba, dòng tiền yếu, trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá mạnh thời gian gần đây cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, lãi suất vay margin của CTCK tăng cũng là một cú doping khiến tâm lý thị trường thêm phần ảm đạm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC cũng cho rằng thị trường giảm mạnh chủ yếu do một số thông tin cũ về áp lực lạm phát, nền lãi suất dần tăng trong nước. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát và suy thoái toàn cầu cũng và bức tranh liên thị trường vẫn tiếp tục tiêu cực sau ẩn số từ xung đột Ukraine, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu; ẩn số từ Trung Quốc quanh Đại hội Đảng nước này vào cuối năm. Đồng thời, áp lực thanh khoản thị trường chung từ các trái phiếu đến hạn cũng là nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu.

Ngoài ra, ông Huy cho rằng một phần nguyên nhân có thể đến từ các tin đồn về việc Credit Suisse đứng trước bờ vực phá sản. Chuyên gia cho rằng diễn biến này không quá bất ngờ và cho dù rất khó đoán, song bối cảnh thị trường hiện vẫn chưa phải là tồi tệ.

Theo chuyên gia, kịch bản thủng 1.000 điểm sẽ xảy ra khi có những vấn đề từ các doanh nghiệp lớn, kéo theo những cú giảm sâu của thị trường chứng khoán thế giới, tương tự như giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007-2008. Tuy nhiên, điều này không dễ diễn ra vào lúc này.

Chia sẻ Facebook