Điều gì có thể cứu kinh tế thế giới khỏi suy thoái trong năm 2023?
Các ngân hàng trung ương trên thế giới quyết tâm làm bất cứ điều gì cần thiết để chống lại lạm phát, bao gồm cả việc đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái. Tuy nhiên, một vài điều có thể làm giảm cơ hội xảy ra của cuộc suy thoái đó.
Điều gì có thể cứu kinh tế thế giới khỏi suy thoái trong năm 2023?
Điệp khúc “suy thoái toàn cầu vào năm 2023” mà các nhà phân tích kinh tế, chiến lược gia đầu tư và think tank cảnh báo ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn. Ví dụ, trong một báo cáo đăng trên Bloomberg News vào cuối tuần qua, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh đã dự đoán rằng lãi suất cao hơn có thể sẽ đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái vào năm tới.
“Cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa có chiến thắng. Chúng tôi cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục giữ nguyên chính sách của mình vào năm 2023, bất chấp các chi phí kinh tế. Và cái giá phải trả cho việc đưa lạm phát xuống mức dễ chịu hơn là một triển vọng tăng trưởng kém hơn trong vài năm tới”, trích từ báo cáo.
Quyết tâm chống lạm phát của các ngân hàng trung ương tăng cao vào tuần trước khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cùng với các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất cơ bản, chấm dứt một giai đoạn tiền rẻ khá dài.
Suy thoái toàn cầu là tin xấu cho cả các doanh nghiệp và Wall Street. Đối với các doanh nghiệp, suy thoái kinh tế toàn cầu đồng nghĩa với doanh thu giảm, phá sản, sa thải nhân viên và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Đối với Phố Wall, suy thoái kinh tế toàn cầu có nghĩa là doanh thu và lợi nhuận thấp hơn, dẫn đến định giá thấp hơn. Do đó, đã có đợt giảm điểm nghiêm trọng trên các sàn chứng khoán ở Phố Wall trong những tháng gần đây, do các trader và nhà đầu tư thường dự đoán hơn là theo dõi tin tức kinh tế.
Tuy vậy, một vài điều có thể cứu nền kinh tế thế giới khỏi suy thoái trong năm 2023.
Một trong số đó là sự gia tăng tốc độ giảm lạm phát được thấy trong những tháng gần đây. Điều này có thể được gây ra bởi sự suy yếu của tổng cầu và nới lỏng các hạn chế đối với chuỗi cung ứng.
Chẳng hạn, nhu cầu giảm đã khiến nhiều nhà bán lẻ như Target, Costco, Nike và Lululemon có lượng hàng dư thừa, điều này có thể dẫn đến giá thấp hơn khi các nhà bán lẻ này giảm giá để loại bỏ lượng hàng tồn kho này. Ngoài ra, giá nhà giảm sẽ giảm bớt áp lực lên chi phí nhà ở - vốn chiếm đến 42.36% trong Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) .
Sau đó là sự sụt giảm đột ngột của Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) từ 5,400 vào tháng 10/2021 xuống 1,500 gần đây. Nó có thể làm giảm chi phí vận chuyển, một thành phần quan trọng của giá cả hàng hóa.
Và giá dầu cũng có sự “giảm nhiệt”, từ 122 USD/thùng sáu tháng trước xuống chỉ còn 80 USD/thùng trong thời gian gần đây, làm giảm chi phí năng lượng, một thành phần quan trọng khác của chi phí sinh hoạt.
Sự gia tăng tốc độ suy giảm lạm phát có thể buộc các ngân hàng trung ương phải tạm dừng tăng lãi suất sớm hơn, do đó, ngăn chặn viễn cảnh suy thoái toàn cầu trên toàn thế giới.
Michael Ashley Schulman, giám đốc đầu tư của Running Point Capital Advisors, nhìn thấy một vài kịch bản khác có thể ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu.
Một trong số đó là sự khởi động lại khá vững chắc của nền kinh tế Trung Quốc sau Tết Nguyên đán.
“Nếu Trung Quốc tiếp tục kích thích và mở cửa lại nền kinh tế, nhu cầu hàng hóa toàn cầu sẽ tăng lên, đồng thời, giá thành phẩm sẽ giảm khi chuỗi cung ứng trở lại tình trạng bình thường”, ông nói với International Business Times.
“Một số động thái gần đây của Trung Quốc nhằm ổn định tình trạng hỗn độn trong lĩnh vực bất động sản của họ gợi nhớ đến chương trình giải cứu tài sản của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009, giúp ổn định hệ thống tài chính ở quốc gia này”.
Và cuối cùng là triển vọng kết thúc cuộc chiến của Nga với Ukraine. Nó đã gây ra một sự căng thẳng không thể cân đong đo đếm nổi đối với tất cả các nền kinh tế liên quan và tình trạng lạm phát chưa từng có trong lịch sử.
Nhã Thanh (Theo IBTimes)