Điều gì chờ đợi nền kinh tế Nhật Bản năm 2023?

Chia sẻ Facebook
15/01/2023 13:08:28

Những thách thức kinh tế như giá cả leo thang, đồng Yên yếu do đại dịch và xung đột dự kiến sẽ lùi lại phía sau để nền kinh tế Nhật Bản phục hồi trong năm 2023.


Nền kinh tế Nhật Bản đã phải đối mặt với một số rào cản vào năm ngoái, bao gồm cả sự sụt giảm lịch sử về giá trị của đồng Yên so với đồng USD và lạm phát cao trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, quốc gia này cũng thúc đẩy nối lại các hoạt động kinh tế bị đóng cửa do đại dịch Covid-19, nổi bật là việc mở lại biên giới cho khách du lịch trong nước lần đầu tiên sau 2 năm.

Các nhà kinh tế cho biết, mặc dù một số nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ dự kiến sẽ suy thoái trong năm nay do một loạt chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản đang có vẻ khá tích cực.

Tình trạng tăng giá có thể sẽ chậm lại hoặc thậm chí bị đảo ngược, trong khi kinh tế nước này dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng nhờ nhu cầu trong nước vững chắc.

Dưới đây là 3 kịch bản có thể xảy ra đối với nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2023.


Lạm phát có thể hạ nhiệt

Cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự trượt giá lịch sử của đồng Yên xuống mốc 150 Yên đổi 1 USD vào tháng 10 (lần đầu tiên kể từ năm 1990) đã đẩy giá hàng loạt mặt hàng ở Nhật Bản lên cao trong những tháng qua.

Vào tháng 1/2022, giá tiêu dùng lõi (không bao gồm giá của những mặt hàng dễ biến động như thực phẩm tươi sống) chỉ tăng 0,2% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, đến tháng 11, con số đó đã tăng lên 3,7%, mức cao nhất trong gần 41 năm.

Lần đầu tiên kể từ năm 1990, đồng Yên trượt xuống mốc 150 Yên/USD vào tháng 10/2022. Ảnh: jluggage.com


Mặc dù vậy, tỉ lệ lạm phát có thể sẽ giảm trong năm 2023 khi giá hàng hóa có thể hạ nhiệt và đồng Yên tăng giá do các ngân hàng trung ương ở nước ngoài giảm quy mô tăng lãi suất, một số nhà kinh tế nhận định.

“Lạm phát có thể đạt đỉnh vào tháng 12 hoặc tháng 1. Tôi tin rằng nó sẽ bắt đầu giảm khá nhanh sau đó”, ông Hideki Matsumura, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Nhật Bản cho biết.

“Không giống như những gì đang xảy ra ở Mỹ và châu Âu, các yếu tố chính đẩy giá cả ở Nhật Bản là giá năng lượng và thực phẩm nhập khẩu. Vì vậy, một khi các mặt hàng này hạ nhiệt, lạm phát cũng sẽ giảm theo”, ông Matsumura khẳng định.

Mặc dù tỉ lệ lạm phát Nhật Bản vẫn khá thấp so với các quốc gia khác, nhưng việc tăng giá buộc chính phủ nước này phải thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu tác động, chẳng hạn như trợ giá xăng dầu hay phát tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ cung cấp các khoản trợ cấp để ngăn chặn sự gia tăng của hóa đơn tiền điện và khí đốt bắt đầu từ tháng 1/2023.

Trong báo cáo hàng quý vào tháng 10/2022, Ngân hàng Nhật Bản dự đoán tỉ lệ lạm phát ở nước này trong năm tài chính 2023 sẽ là 1,6%.


Lương tăng dù không cao như kỳ vọng

Những đợt tăng giá năm 2022 là cơ sở để các cơ quan đại diện người lao động kêu gọi các công ty tăng lương. Đây vốn là một trong những vấn đề khó khăn đối vơi nền kinh tế Nhật Bản trong một thời gian khá dài.

Tổng Công đoàn Nhật Bản (Rengo) đã đề nghị các công ty tăng 5% lương cho người lao động vào mùa xuân. Nếu đề nghị này được thực hiện, đây sẽ là mức tăng cao nhất trong 28 năm qua.

Từ năm 2014 đến năm 2022, tỉ lệ tăng lương trung bình do các cuộc đàm phán hàng năm là 2-2,38% đối với khoảng 300 công ty lớn. Năm 2021 là ngoại lệ, vì tỉ lệ này chỉ ở mức 1,86%, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Nhật Bản.

Theo các nhà kinh tế, mức tăng trung bình 5% là điều khó xảy ra, và con số 3% trở lên đã được coi là một kết quả tích cực.

Một cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Tối thiểu Trung ương Nhật Bản tại Phường Chiyoda, Tokyo ngày 28/6/2022 nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến mức lương tối thiểu ở nước này trong năm tài chính 2022. Ảnh: Mainichi

Ông Daiju Aoki, chuyên gia kinh tế trưởng Nhật Bản tại công ty quản lý tài sản UBS Sumi Trust cho rằng mức tăng hơn 3% khó mà đạt được. Con số tiềm năng sẽ nằm trong khoảng 2,5% đến gần 3%, và đây vẫn sẽ là mức tăng lớn nhất trong nhiều năm.

Mặc dù mức tăng lương trung bình dự kiến sẽ mạnh hơn, nhưng các nhà kinh tế vẫn nghi ngờ liệu đà tăng đó có kéo dài hay không, vì nó là kết quả của các yếu tố chỉ xảy ra một lần trong năm nay, chẳng hạn như sự tăng giá hay sự hỗ trợ tài chính của chính phủ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng ý tăng lương.

Sau khi các hoạt động kinh tế được nối lại, tình trạng thiếu hụt lao động đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó, đây có thể là động cơ khiến các công ty đưa ra mức lương cao hơn để thu hút nhân tài, ông Matsumura từ Viện nghiên cứu Nhật Bản nhận định.


Nhu cầu nội địa mạnh mẽ

Khi lạm phát chậm lại và tiền lương tăng lên, các gia đình có thể tiết kiệm được một khoản tiền, do đó tiêu dùng trong nước sẽ có tiềm năng phục hồi trở lại.

Theo một báo cáo về triển vọng kinh tế Nhật Bản của Viện nghiên cứu Daiwa, các hộ gia đình Nhật Bản đã tiết kiệm được khoảng 55 nghìn tỷ Yên tính đến tháng 9/2022.

Nhóm chuyên gia tư vấn cho biết, mức tiêu thụ cũng có thể sẽ được cải thiện nhờ chương trình giảm giá du lịch kéo dài dự kiến sẽ tiếp tục trong tháng 1/2023, dự kiến mang lại tác động kinh tế khoảng 1,6 nghìn tỷ Yên.

Ông Aoki cho biết, nhu cầu đi lại của giới trẻ đã phục hồi đáng kể, nhưng vẫn còn chậm đối với người già và hộ gia đình có trẻ nhỏ, vì vậy vẫn còn nhiều dư địa cho lĩnh vực dịch vụ phát triển.


Khi tiêu dùng hộ gia đình tăng lên mạnh mẽ hơn, các công ty dự kiến sẽ bỏ vốn nhiều hơn. Theo cuộc khảo sát doanh nghiệp hàng quý được Ngân hàng Nhật Bản thực hiện tháng 12/2022, các khoản đầu tư theo kế hoạch cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3 đã tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong cuộc khảo sát tháng 12 kể từ năm 1989.

Nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản trong năm 2023. Ảnh: SCMP

“Các công ty đã hạn chế đầu tư trong thời kỳ đại dịch, vì vậy nhu cầu của họ bị dồn nén”, ông Aoki nhận định. Do đó, nhiều công ty đang tìm cách đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm nhân công hoặc cải thiện năng suất do thiếu lao động.

Một động lực khác dự kiến sẽ dẫn dắt sự phục hồi kinh tế là du lịch trong nước sau khi Nhật Bản nới lỏng các hạn chế biên giới và nối lại hoạt động du lịch miễn thị thực kể từ tháng 10.

Lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản đã tăng trở lại trong tháng 11 lên 934.500 lượt, gần gấp đôi so với tháng 10 và khoảng 40% so với tháng 11/2019.

Mặc dù đồng Yên có thể sẽ lấy lại sức mạnh ở một mức độ nhất định trong năm nay, nhưng đồng tiền này sẽ vẫn còn yếu về tổng thể, do đó có thể thu hút nhiều du khách nước ngoài hơn.


“Tôi nghĩ khách du lịch nước ngoài sẽ chi tiêu nhiều hơn, vì vậy du lịch trong nước sẽ là động lực mạnh nhất (đối với nền kinh tế Nhật Bản)”, ông Matsumura khẳng định .


Nguyễn Tuyết (Theo Japan Times, DW)

Chia sẻ Facebook