Điện sạch và chiến lược “giải cứu” thiếu hụt điện
Giai đoạn "cực nóng" của El Nino sẽ tạo lực đẩy cho điện mặt trời gặt hái bội thu với sản lượng điện kỷ lục theo biên độ nhiệt của hiện tượng này.
Điện đã trở nên nóng hơn bao giờ hết. Nóng trên cả nghị trường Quốc hội, nóng trong dư luận xã hội và nóng nhất là khi Chính phủ đề nghị thanh tra đặc biệt toàn diện về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Bởi có quá nhiều vấn đề mà thời gian qua và gần đây sự phập phù, giật cục của cách điều hành về điện khiến người dân bức xúc, doanh nghiệp sản xuất "kêu trời" bởi lịch cắt điện triền miên, vô tội vạ.
Các nhà phân tích đã cho rằng “cũng may…thiếu điện” đã cho chúng ta thấy những hạn chế trong điều hành điện của EVN.
Giải quyết tình thế, mới đây, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6/2023.
Thủy điện thiếu nước - vận may trao tay nhiệt điện
Với thực trạng nguồn cung cấp điện hiện nay của Việt Nam, thuỷ điện vẫn là chủ lực. Nếu thời tiết thuận lợi, nước trong các hồ chứa sẽ đủ cho phát điện, cung cấp điện sản xuất và sinh hoạt. Ngược lại, nếu tình hình thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài, mực nước các hồ chứa xuống dưới mực nước chết, thì thật khó nói đến việc đủ điện.
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) từ trung tuần tháng 6, nước đã chảy vào 4 hồ thủy điện lớn ở miền Bắc nhưng mực nước rất thấp.
El Nino đã bắt đầu. Thủy điện vốn chiếm 29% công suất hệ thống, đối mặt với hiện tượng thời tiết khô hạn đã không thể đáp ứng nhu cầu cho xã hội, dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở cả 3 miền. Đây là một tin xấu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng sự thiếu hụt này lại có lợi cho các doanh nghiệp nhiệt điện.
Dự báo thời tiết đã cho thấy thủy điện sẽ còn “hạn“ dài dài và thế là doanh nghiệp điện than đang gặp "thiên thời". Trước đó, Chính phủ đã cho phép nhập than ráo riết để cung cấp tối đa cho nhiệt điện khi EVN “loan tin” về việc thiếu 1 triệu tấn.
Chứng khoán Yuanta vừa có báo cáo nhanh ngành năng lượng với nhận định, nhiệt điện than đang gặp "vận may". Cũng theo Yuanta, điện than, chiếm 33% công suất hệ thống, sẽ được hưởng lợi từ tình hình này vì được huy động cao hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt của thủy điện.
Vậy là, điện sạch (điện mặt trời, điện gió) xem ra vẫn chưa được “chào đón" để có thể lách khe hẹp chen chân tham gia vào chiến lược “giải cứu” thiếu hụt điện đang trầm trọng khi El Nino xuất hiện.
Nhận diện rõ 2 mặt của vấn đề El Nino
Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.
Về tác động của El Nino đến thời tiết, khí hậu Việt Nam, cơ quan khí tượng lưu ý, El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25-50%, rõ rệt nhất là khu vực Bắc Trung Bộ. Vì thế, nguy cơ xảy ra khô hạn cục bộ hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023, đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.
Rõ ràng, dù muốn dù không thì El Nino vẫn cứ hoành hành và khiến cho cuộc sống bị đảo lộn dưới cái nóng kinh người, gây áp lực lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Song, nếu như El Nino là khắc tinh của nguồn nước thì trái lại giai đoạn "cực nóng" của El Nino sẽ tạo lực đẩy cho điện mặt trời gặt hái “bội thu” được những sản lượng điện kỷ lục theo biên độ nhiệt của El Nino.
Chỉ mới thời gian gần đây, khi chứng kiến năng lượng tái tạo bị thải bỏ “hàng tỷ Kwh”/năm vì vướng phải “mớ bòng bong” thủ tục khiến điện sạch không thể lên lưới thì dư luận xã hội phản ứng mạnh mẽ, tiếng nói của các vị ĐBQH đã liên tục chất vấn, đề nghị làm rõ tất tần tật. Và Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc.
Điện đang thiếu do thủy điện hụt hơi bởi El Nino. Than thì ngày càng khan hiếm, đắt đỏ do “tận khai” nhưng vẫn phải mua rầm rập để đốt lấy điện, trong khi điện mặt trời dễ dàng - nhẹ nhàng chạm mốc kỷ lục công suất mà không phải tốn 1 xu “nhập liệu”. Thế thì tại sao không đưa năng lượng sạch vào chiến dịch giải cứu ngành điện Việt Nam?
Công bằng và khách quan mà nói, thiếu điện vì “thừa thủ tục” khiến cho doanh nghiệp điện sạch phải “khóc” thét, cầu trời. Chỉ cần một chính sách, chứ không cần “quăng” hàng tỷ USD để nhập than hay chặn dòng - phá rừng làm thủy điện, Việt Nam vẫn thừa điện từ nắng và gió để phát triển kinh tế xanh là một trong những động lực tăng trưởng mới.
Trong khi chúng ta đang tích cực tham gia, hưởng ứng COP26 để Việt Nam c hủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên, để không phải oằn mình trả giá vì thiên tai, nhưng cách hành xử và thực trạng an ninh năng lượng hiện nay đã cho thấy EVN đang làm không tốt trách nhiệm của mình .
Phương Anh