Diện mạo của Thành phố hơn một tuổi có GRDP cao thứ 3 Việt Nam
Sau hơn một năm thành lập, TP Thủ Đức có bước thay đổi lớn trong diện mạo giao thông, đô thị và là TP trẻ có đóng góp tổng sản phẩm trên địa bàn đứng thứ 3 cả nước.
Ngày 1/1/2021, Thành phố Thủ Đức (trực thuộc TP. HCM) chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 3 quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Thành phố trẻ này có diện tích hơn 211 km2 (tương đương 10% diện tích TP. HCM), dân số khoảng một triệu người. Sau hơn một năm thành lập, TP đã có bước chuyển mình mạnh mẽ với hàng loạt dự án cơ sở, hạ tầng, khu đô thị mới dần được hình thành.
Nút giao ngã ba Cát Lái gồm 2 cầu vượt, 7 nhánh đường, là tuyến đường quan trọng bậc nhất khu vực cửa ngõ phía Đông, nối TP. HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Bắc. Đây cũng là điểm nhấn diện mạo hiện đại, năng động của TP Thủ Đức sau hơn một năm thành lập.
Trong hơn một năm qua, tại TP Thủ Đức, nhiều công trình giao thông lớn được triển khai và đưa vào sử dụng. Tiêu biểu là dự án cầu Thủ Thiêm 2 có tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động vào tháng 4/2020. Cây cầu giúp mở thêm hướng kết nối giao thông giữa khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm TP. HCM, hoàn thiện mạng lưới giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Toàn cảnh dự án nút giao An Phú đang được đầu tư xây dựng với mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc cho khu vực đầu cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường vào cảng Cát Lái. Dự án đồng thời nâng cao khả năng lưu thông khi sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đi vào hoạt động.
Cầu vượt Trạm 2 cũng là nút giao thông quan trọng của thành phố Thủ Đức. Với tổng kinh phí khoảng 120 tỷ đồng, dự án kết nối quốc lộ 1A và Xa lộ Hà Nội, thuận tiện di chuyển đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Công trình gồm 4 vòng tròn kết hợp cùng các nhánh đường trong khu vực, tạo nên thiết kế độc đáo dạng hoa thị đầu tiên tại Việt Nam.
Ngoài ra, Thủ Đức còn là nơi đặt 10/14 nhà ga của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, bắt đầu từ cầu Sài Gòn chạy dọc tới depot Long Bình (quận 9). Sau 10 năm thi công, hiện dự án đang dần cán đích khi đạt khoảng 90,91% tổng tiến độ.
Để phát triển hiệu quả, thành phố Thủ Đức được quy hoạch 6 khu chức năng trọng điểm (Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Trường Thọ, Tam Đa, Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao). Loạt dự án hạ tầng - giao thông cũng được thúc đẩy nhằm kết nối 6 khu vực này với nhau và với các vùng lân cận. Trong ảnh là đại lộ Mai Chí Thọ với tổng mức đầu tư 13.400 tỷ đồng, chạy dọc khu đô thị mới Thủ Thiêm, đóng vai trò là trục xuyên tâm giữa quận 1, TP Thủ Đức và cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Mặt khác, thành phố Thủ Đức có thế mạnh nổi trội và đặc biệt thuận lợi để phát triển thành trung tâm logistics. Đô thị mới này nằm ở trung tâm vùng Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận. Thành phố hiện đang có cảng Cát Lái - cảng container quốc tế lớn hàng đầu Việt Nam và nhiều cảng nhỏ khác.
Nhờ tiềm năng phát triển, thị trường bất động sản Thủ Đức luôn sôi động, thu hút lượng lớn các nhà đầu tư. Riêng trên trục đường Mai Chí Thọ là hàng loạt dự án bất động sản thương mại đã đi vào hoạt động và đang được xây dựng. Ngoài ra, bán đảo Thủ Thiêm còn đang thu hút nhiều dự án đầu tư “nghìn tỷ”, dần trở thành “vùng đất hứa” ở phía đông TP. HCM.
Trên Xa lộ Hà Nội, có gần 25 chung cư nằm dọc trục đường này, với giá bán thấp nhất từ 26 triệu đồng/m2 vào năm 2021 và cao nhất lên tới gần 100 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, các dự án công cộng cũng được UBND thành phố Thủ Đức phát triển song song với đô thị. Cụ thể, thành phố sẽ đầu tư khôi phục 4 công viên hiện hữu và xây dựng 41 công viên cây xanh. Tất cả nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống và đảm bảo văn minh đô thị. Trong ảnh là công viên khu đô thị Sala. Đây là hạng mục công viên phức hợp gồm hồ nước ngọt, cây xanh, lối đi dạo, cầu và một số công trình nhân tạo. Địa điểm “xanh” này thu hút nhiều người dân đến vui chơi, tập thể dục vào cuối tuần.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, trước khi TP Thủ Đức được thành lập, năm 2019, quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9 đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn của TP HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội cả nước. Đến thời điểm hiện tại, chưa có công bố chính thức nào về GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của thành phố, tuy nhiên theo báo cáo thị trường của trang batdongsan, tính đến ngày 31/5/2021, GRDP của Thủ Đức ước đạt 452,7 nghìn tỷ đồng. Con số này chỉ xếp sau TP HCM, Hà Nội. Trong khi đó GRDP bình quân đầu người của TP Thủ Đức ước tính đạt 18.997 USD, cao hơn nhiều so với GRDP bình quân đầu người cả nước.