Điện Kremlin: Ukraine biết phải làm gì để có được đảm bảo an ninh
Dù bản đề xuất mới nhất của Kiev nhắc tên các quốc gia hàng đầu NATO như Mỹ, Anh, Đức… nhưng không rõ bên nào có thể sẵn sàng tham gia đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 14/9 cho biết, Ukraine nên loại bỏ các mối đe dọa đối với Nga đang phát ra từ chính họ nếu họ muốn có sự đảm bảo cho an ninh của chính mình, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin.
TASS dẫn lời ông Peskov cho biết, Moscow sẽ phản ứng tiêu cực nếu đề xuất của Kiev về đảm bảo an ninh quốc tế cho Ukraine, được đưa ra hôm 13/9, được ký kết.
“Với tình trạng hiện tại, khó có ai có thể cho Ukraine một sự đảm bảo an ninh lớn hơn ban lãnh đạo của quốc gia đó. Ban lãnh đạo quốc gia đó (Ukraine) chỉ nên thực hiện những hành động mà theo đó, sẽ loại bỏ được mối đe dọa đối với Nga. Kiev hoàn toàn biết rõ họ nên thực hiện những hành động như thế nào”, ông Peskov nói.
Trước đó, hôm 13/9, Văn phòng Tổng thống Ukraine đã công bố một dự thảo tài liệu có tiêu đề: “Hiệp ước An ninh Kiev - Đảm bảo An ninh Quốc tế cho Ukraine: Khuyến nghị”.
Hiệp ước An ninh Kiev (KSC) – được đề xuất bởi ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, và cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen – sẽ cung cấp các đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý cho Ukraine, trang Newsweek của Mỹ cho biết.
KSC cũng sẽ thiết lập một kế hoạch “nhiều thập kỷ” về đầu tư, huấn luyện quân sự và chia sẻ thông tin tình báo để củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine khi nước này theo đuổi tư cách thành viên chính thức của NATO.
Tại cuộc họp báo hôm 13/9 ở thủ đô Kiev, ông Yermak và ông Rasmussen nhấn mạnh, KSC không được thiết kế để thay thế NATO, mà là nhằm thiết lập một lộ trình ràng buộc về mặt pháp lý để nhóm này phản ứng ngay lập tức trước hành động gây hấn của Nga.
Ông Yermak cũng lưu ý rằng, đảm bảo an ninh cho Ukraine không nên dựa trên “những mơ tưởng” như các thỏa thuận trong quá khứ; đặc biệt là Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 mà qua đó Ukraine giao nộp các đầu đạn hạt nhân từ thời Liên Xô.
Các cuộc tham vấn với các đối tác có thể sẽ bắt đầu “ngay lập tức”, vị cố vấn Ukraine cho biết. Trong số các bên được đề xuất cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine có Mỹ, Anh, Canada, Ba Lan, Italy, Đức, Pháp, Australia và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như một số quốc gia Bắc Âu, Baltic và Trung Âu.
“Những đảm bảo an ninh này sẽ có hiệu lực càng sớm càng tốt”, ông Rasmussen nói. “Chúng ta không nên chờ đợi đến khi xung đột kết thúc”.
Không rõ bên nào có thể sẵn sàng tham gia. Các đối tác hàng đầu như Mỹ và Anh đã do dự trong việc ký kết các đảm bảo an ninh mới cho Kiev, ngay cả khi họ đã và đang cung cấp một lượng lớn thiết bị quân sự để Ukraine chiến đấu chống lại Nga.
Còn theo TASS, Nga cho rằng, bất chấp những đề xuất đã được khởi xướng trước đó, bản đề xuất lần này của Ukraine không cho thấy việc Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, hay trạng thái trung lập của Ukraine, hoặc sự tham gia của Moscow với tư cách là một bên bảo đảm an ninh .
Minh Đức (Theo TASS, Newsweek)