Điện Kremlin: Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có thể kết thúc “trong những ngày tới”
Theo Điện Kremlin, “chiến dịch quân sự đặc biệt” sẽ kết thúc khi Quân đội Nga đạt được các mục tiêu ở Ukraine hoặc Moscow và Kiev thống nhất được một thỏa thuận cho tương lai gần.
Phát biểu trên kênh truyền hình Sky News của Anh hôm thứ Năm (7/4), người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moscow hy vọng hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine “có thể sẽ kết thúc trong tương lai gần”, thậm chí là “trong những ngày tới đây”.
Tuy nhiên, ông Peskov cũng nhấn mạnh Quân đội Nga sẽ kết thúc “chiến dịch quân sự đặc biệt” chỉ khi đã đạt được các mục tiêu quân sự của mình hoặc Moscow và Kiev phải đạt được một thỏa thuận thông qua các cuộc đàm phán.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, triển vọng về một thỏa thuận hòa bình sẽ phụ thuộc phần lớn vào “tính nhất quán” trong lập trường của Ukraine và việc Kiev sẵn sàng đồng ý với các điều khoản của Nga.
Ông Peskov cũng cho biết một trong những mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là ngăn chặn, không để xảy ra một cuộc xung đột lớn hơn, cụ thể là một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ III tiềm ẩn có khả năng dẫn đến các cuộc tấn công hạt nhân.
Lính Ukraine lái xe tăng tiến về chiến tuyến ở vùng Lugansk ngày 25 tháng 2 năm 2022. Ảnh: AFP
Phát ngôn viên Điện Kremlin lập luận, nếu Ukraine gia nhập NATO và sau đó cố gắng tái chiếm Bán đảo Crimea bằng các biện pháp quân sự thì các quốc gia thành viên NATO sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ phải bảo vệ hành động này và điều đó sẽ dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu.
Ông Peskov cáo buộc Ukraine đã trở thành một "trung tâm chống Nga" kể từ năm 2014, đồng thời khẳng định NATO “còn lâu mới trở thành một khối quân sự phòng thủ thuần túy”.
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đã ra lệnh thực hiện "một chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, đồng thời cảnh báo các nước khác rằng bất kỳ nỗ lực nào can thiệp vào hành động quân sự của Nga sẽ dẫn đến "những hậu quả mà họ chưa từng thấy".
Tuy nhiên, chiến dịch này được xem là một cái kết đầy tai họa sau nhiều nỗ lực ngoại giao không có kết quả của các nhà lãnh đạo phương Tây nhằm ngăn chặn chiến tranh trước những yêu cầu của Nga về việc dàn xếp lại trật tự an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh ở châu Âu.
Hiện nay, Nga yêu cầu Ukraine phải chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.
Về phần mình, Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền Đông đất nước bằng vũ lực.
Theo Tú Anh
Doanh nghiệp và Tiếp thị