Điền kinh và... Oanh

Chia sẻ Facebook
12/05/2023 08:23:31

Điền kinh khắc nghiệt tới mức Oanh đã suýt bỏ cuộc khi gặp chấn thương. Nhưng rồi cô đã vượt qua sau thời gian dài dưỡng thương.

Mấy hôm nay báo chí và mạng xã hội tràn ngập thông tin về vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Có thể nói là vỡ òa sung sướng, nhất là sau khi cô lập cú đúp huy chương vàng 2 môn chạy chỉ cách nhau 20 phút, một việc vô tiền khoáng hậu của Seagame (còn trên thế giới thì chưa dám khẳng định nhưng có vẻ như cũng chưa có tiền lệ).

Tôi vừa tìm thông tin trên mạng thì quả là trên thế giới chưa có vận động viên điền kinh nào thi 2 cự ly hóc búa với thời gian giãn cách ngắn tới không thể tin như thế. Theo quy định xếp lịch thi đấu của nhiều giải điền kinh thế giới, châu lục, các vòng thi cự ly ngắn diễn ra cách nhau ít nhất 45 phút, các cự ly dài phải qua ngày thi đấu hôm sau, cách nhau ít nhất 12 giờ.

Ở Olympic, Asiad, môn điền kinh phải có lịch thi đấu sơ bộ trước 4 năm và lịch thi đấu cố định từ 2 năm trước giải. Với các giải điền kinh vô địch thế giới, lịch thi đấu phải được ấn định 6 tháng trước giải.

Ở đây, lịch thi đấu được thay đổi ở ngay phút cuối để Oanh chỉ có 2 lựa chọn, hoặc bỏ một môn (thông thường là thế), và hoặc làm việc phi thường là... chạy cả 2 cự ly, chấp nhận vừa thi xong cự ly này lập tức chạy đến vạch xuất cự ly kia.

Và cô đã chiến thắng.

Nguyễn Thị Oanh lập cú đúp huy chương vàng 2 môn chạy chỉ cách nhau 20 phút. Ảnh báo Lao Động

Cũng có những ý kiến về việc đổi lịch thi đấu của Ban tổ chức Seagame 32, tôi thì cho rằng, có thể Ban tổ chức cũng đã “có lý” khi thay đổi lịch, và chắc là lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam cũng đã có ý kiến. Nhưng tất cả rồi thì, cuối cùng là, Oanh vẫn chạy theo lịch thay đổi vô tiền khoáng hậu ấy, và cô đã chiến thắng. Và quả là, cái sự thi 2 cự ly cách nhau 20 phút ấy nó khiến chiến thắng của cô bi tráng hơn.

Và chiến thắng ấy nó ra chiến thắng, nó xứng chiến thắng của chiến thắng.

Thực ra Đại hội thể thao Đông Nam Á (Seagame) lâu nay vẫn có yếu tố... vùng trũng. Nước nào chủ nhà thì cố đưa các môn truyền thống của mình vào để giành nhiều huy chương, vì quan niệm huy chương nào cũng là huy chương.

Thế nên có nhiều môn rất buồn cười được vào để chủ nhà thu huy chương, trong khi những môn Olympic chính thức thì bị coi nhẹ, hoặc ít nhất là ngang hàng với các môn “đặc thù” kia. Điền kinh, bơi lội ngang hàng với đánh bài tây, với bóng sàn, võ gậy, jujitsu, kickboxing, kurash... toàn những môn lạ hoắc...

Thế nên chiến thắng của Nguyễn Thị Oanh nó mới vỡ òa, vì nhiều nhẽ.

Và mọi người mới ngớ ra, té ra Oanh đã có hơn chục năm tham gia đội tuyển điền kinh quốc gia, từng giành nhiều huy chương ở các kỳ Seagame, và ở kỳ này cô đã có tới 3 huy chương vàng, và không loại trừ sẽ có huy chương thứ tư cho môn 10.000 mét vào hôm nay.

Ai cũng biết, điền kinh là môn hết sức khắc nghiệt trong thể thao, không nhiều người can đảm theo nó trọn đời. Nó khác bóng đá bóng chuyền, khác các môn tập thể. Nó là sự âm thầm, cô đơn, lầm lũi... chỉ khi tới chiến thắng thì mới vỡ òa.

Chắc nhiều người không quên hình ảnh cô bé vận động viên Campuchia cô đơn lầm lũi chạy trong mưa, vừa chạy vừa khóc nhưng cô cũng đã dũng cảm về đích, cuối cùng và một mình. Và, bên cạnh Oanh của Việt Nam được Thaco Trường Hải thưởng ngay một ô tô gần 1 tỷ thì vợ chồng thủ tướng Hun Sen cũng thưởng cho cô vận động viên dũng cảm nước mình 10 ngàn đô la, bằng tiền túi. Một việc làm cũng... vô tiền khoáng hậu.

Sẽ có rất nhiều giải thưởng đến với cô, cả hiện vật, chứng nhận và hiện kim, điều ấy hoàn toàn xứng đáng với những gì cô gái nhỏ bé này bỏ ra. Và qua đây chúng ta cũng nhìn lại cách đầu tư của mình để thể thao nước nhà vượt tầm khu vực.

Được biết lương tháng của Oanh chỉ 7 triệu đồng. Thực ra 7 triệu cũng đã cao so với mặt bằng chung của các công chức viên chức hiện nay. Nhưng cô còn khiến ta nể phục nữa, là giữa tập luyện, thi đấu, cô còn học để có bằng thạc sĩ. Đầu tư cho cô so với bóng đá nam chẳng hạn, đúng là một trời một vực. Mà ngay giữa bóng đá nam và nữ, mức độ đầu tư cũng chênh lệch rất nhiều, dù bây giờ, có vẻ như, dân quan tâm tới bóng đá nữ nhiều hơn, xem thích hơn...

Trong số 5 nữ hoàng điền kinh của Việt Nam được báo chí xếp hạng, duy nhất Nguyễn Thị Oanh thống trị cự ly dài, cự ly khốc liệt nhất của điền kinh.


Được Thaco tặng ô tô hy vọng cô tiếp tục chạy như... ô tô. À, còn nhiều người yêu thể thao nữa, sau khi xem cô thi đấu đã đề xuất tặng nhà cho cô. Kể, có thêm cái nhà để cô an cư lạc nghiệp cũng rất tốt... Có nhà có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, cô an cư lạc nghiệp cũng rất tốt...

Tất nhiên một vận động viên chuyên nghiệp không chỉ trông chờ vào lương nhà nước, bởi 7 triệu chưa đủ mua đôi giày. Thaco  và công ty nhà ở đã làm cái việc mà thể thao thế giới đã và đang làm...

Tin mới nhất chúng tôi nhận được khi bài báo này đã viết xong: Một doanh nghiệp đã tặng Nguyễn Thị Oanh một ngôi nhà trị giá 700 triệu, và một doanh nghiệp khác tài trợ kinh phí cải tạo nhà ở, cải thiện điều kiện sống của gia đình.


* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Chia sẻ Facebook