Điện hạt nhân trở lại châu Âu
Tới Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng châu Âu cuối tuần trước tại Brussels, tương lai của điện nguyên tử đã trở nên chắc chắn.
Tờ Le Figaro ra tại Pháp có bài viết về "sự quay lại ngoạn mục của nguyên tử trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng". Đối mặt với giá điện tăng cao và nguy cơ thiếu hụt, một số nước châu Âu sẽ mở rộng các nhà máy điện nguyên tử sẵn có hoặc xây dựng các nhà máy mới.
Tờ báo có biểu đồ toàn cảnh năng lượng hạt nhân tại các nước châu Âu. Pháp là nước dẫn đầu, với 56 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp tới 70% nhu cầu năng lượng của cả nước và đang đầu tư xây thêm 6 lò phản ứng cỡ nhỏ thế hệ mới.
Nhờ nguyên tử, Pháp không phải chịu quá nhiều sức ép khi giá khí đốt tăng vọt, trái ngược với Đức, chỉ có 3 lò phản ứng còn hoạt động, theo dự định cả 3 lò này cũng sẽ phải đóng cửa vào cuối năm nay, theo lộ trình từ bỏ hạt nhân đã quyết định từ lâu.
Nước Đức đã thay đổi hoàn toàn quan điểm, không theo lộ trình từ bỏ hạt nhân. Tờ Markische Oderzeitung ra tại Đức cho biết: "Bộ trưởng Kinh tế Đức chỉ muốn đóng cửa 1 lò phản ứng và duy trì 2 trong tình trạng sẵn sàng hoạt động". Quyết định được đưa ra sau khi nước Đức phân tích xem liệu từ bỏ hạt nhân có gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng hay không.
Thử nghiệm cho thấy, trong những điều kiện không thuận lợi, ví dụ như mùa đông lạnh giá, sông ngòi cạn nước, hoặc Pháp giảm nguồn cung điện sang Đức, nước Đức có thể thiếu điện, đặc biệt là ở miền Nam.
Vương quốc Bỉ có 7 lò phản ứng hạt nhân phát điện cũng có kế hoạch đóng cửa dần như Đức và nay cũng phải thay đổi 180 độ. Phó Thủ tướng Bỉ nói với tờ Le Soir rằng: "Từ lâu Liên minh châu Âu đã ủng hộ mô hình Đức dựa vào khí đốt và năng lượng tái tạo, chứ không theo mô hình Pháp dựa vào điện hạt nhân . Giờ đây chúng ta đã phải trả giá quá đắt cho lựa chọn đó. Chính phủ Bỉ đang xem xét sử dụng điện hạt nhân thêm 10 năm nữa".
Thị trường tài chính theo dõi sát sao những biến động này. Điện hạt nhân quay lại, không chỉ mỗi lò phản ứng, mà còn là vô số ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ. Tờ Money Week ra tại Anh có bài: "Đã đến lúc đầu tư vào kim loại chiến lược".
Bài báo viết: "Thế giới lệ thuộc quá nhiều vào chất lithium từ Trung Quốc, uranium từ Kazakhstan và Nga. Nếu các nước này sử dụng năng lực ấy cho các mục đích địa chiến lược, giá cả sẽ tăng vọt". Tờ báo gợi ý, nhà đầu tư tài chính nên suy nghĩ về mọi khía cạnh của chính sách quay lại với điện hạt nhân.
Ngày 24/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi đẩy nhanh việc phục hồi sản xuất điện hạt nhân trong nỗ lực giải quyết tình trạng giá năng lượng nhập khẩu tăng cao.