Diễn giải mỹ thuật trong 200 năm sau thời kỳ Phục Hưng (P3)

Chia sẻ Facebook
13/05/2023 09:12:56

Sở dĩ phải dành một phần nói về hoàn cảnh khoa học và tôn giáo, là bởi vì lịch sử mỹ thuật đều có liên quan đến quan hệ khoa học và tôn giáo.


Thời kỳ Phục Hưng rực rỡ huy hoàng có thể nói là một thời kỳ quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây, có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài, giống như tiếng chuông lớn trang nghiêm chính đại trong một chương lịch sử nhân loại. Mỹ thuật trong nền văn minh nhân loại lần này, vào thời kỳ Phục Hưng đã tiến đến độ chín, đồng thời có ảnh hưởng trực tiếp đến nền nghệ thuật phương Tây trong 200 năm sau đó. Nhưng nhìn từ góc độ lịch sử thì 200 năm sau thời kỳ Phục Hưng lại là giai đoạn mà các loại nhân tố tương sinh tương khắc xung đột kịch liệt mà lại rất vi diệu, sự cân bằng âm dương từng bước bị phá vỡ, các nhân tố có liên quan đến rất nhiều và phức tạp, phạm vi đằng sau của nó rất sâu xa. Đây không phải là điều có thể nói được rõ qua một vài bài viết, vì thế những suy tưởng dưới đây chỉ là lý giải nông cạn của cá nhân, đàm luận đơn giản từ vài phương diện về tình hình đại thể của nền mỹ thuật phương Tây, và một chút gợi mở về giai đoạn lịch sử này.

Tiếp theo Phần 2

Khoa học thoát thai và sự suy yếu của tín ngưỡng tôn giáo

Sở dĩ phải dành một phần nói về hoàn cảnh khoa học và tôn giáo, là bởi vì trong lịch sử mỹ thuật, bất kể là phát minh chất liệu màu mới, sử dụng dung dịch pha màu, hay là sự cách tân lý luận nghệ thuật, hoặc sự thay đổi chủ đề mỹ thuật đều có liên quan đến khoa học. Trong một thời kỳ rất dài trong lịch sử, sự phát triển của khoa học luôn ở trong tình trạng đình trệ. Bởi vì trong quan niệm của người xưa phổ biến là không thúc đẩy ý thức phát triển khoa học, cho dù có thì cũng giới hạn trong thiểu số cực ít người, điều này đã tạo thành việc đương thời không tồn tại hoàn cảnh nghiên cứu khoa học giống như ngày nay. Trong những niên đại hòa bình, đại đa số cuộc sống thường nhật của mọi người là sống yên bình, làm các công việc truyền thống và đến giáo đường trau dồi tín ngưỡng…, hoàn toàn không liên quan đến khoa học hiện đại. Nhưng sau khi cải cách tôn giáo, rất nhiều sự tình đã phát sinh những biến đổi.

Tin Lành (Tân giáo) về giáo lý không theo Tòa Thánh, nhấn mạnh mối quan hệ trực tiếp giữa cá thể và Thiên Chúa, do đó đạo Tin Lành tất nhiên sẽ kỳ vọng các tín đồ đều có năng lực tự đọc hiểu Kinh Thánh mà không thông qua các giáo sĩ giảng giải truyền thụ. Nhưng vào thế kỷ 16, các quốc gia châu Âu khắp nơi mù chữ và cũng không có nhiều người có khả năng đọc sách. Vì vậy các quốc gia Tinh Lành bắt đầu bắt tay vào giáo dục, dốc sức nâng cao tỷ lệ biết chữ trong dân chúng để họ có thể đọc hiểu Kinh Thánh.

Tỷ lệ quốc dân biết chữ và trình độ văn hóa phổ biến nâng cao đã tạo ra càng nhiều trí thức, mà trong những người này lại có rất nhiều tín đồ thành tín truy cầu tìm kiếm những bí ẩn huyền bí của thiên nhiên, từ đó chứng minh với thế nhân sự sáng tạo của Chúa là vĩ đại nhường nào. Thực ra, thái độ hướng ngoại cầu này đã hoàn toàn không giống với nguyên tắc tu nội của Cơ Đốc giáo nguyên thủy, nhưng nó lại dần dần hình thành một trào lưu tư tưởng. Các thế hệ trí thức vì thế đã nỗ lực không mệt mỏi thúc đẩy khoa học phát triển nhanh chóng.

Trình độ tri thức của dân chúng theo đạo Tin Lành phổ biến nâng cao, điều này tự nhiên khiến Công giáo cảm thấy áp lực gấp bội. Đến nơi nào cũng có thể thấy những trí thức Tin Lành thao thao bất tuyệt luận thuật Tân giáo xuất sắc như thế nào, thế thì Công giáo làm sao không bị ở thế yếu trên phương diện cuốn hút tín đồ? Thế là dưới ý chỉ của giới chức cao cấp của Công giáo, Hội Chúa Giê-su (Society of Jesus) thành lập vào thế kỷ 16 để đối phó với việc cải cách tôn giáo đã phát huy tác dụng, cũng bắt đầu dốc sức mở trường học, bồi dưỡng những giáo sĩ trung thành với Giáo hội và những trí thức của Công giáo. Những hành động này cũng đã thúc đẩy sự phát triển của khoa học.

Khi tín ngưỡng ở trạng thái khá thuần chính, bản thân sự phát triển khoa học chưa chắc đã dẫn đến sự suy yếu của tín ngưỡng. Như mọi người đã biết, rất nhiều nhà khoa học lớn nổi tiếng trong lịch sử đều là những tín đồ tôn giáo thành tín, họ hoàn toàn không vì có tri thức khoa học phong phú mà không còn tín Thần nữa. Nhưng khi tín ngưỡng đã bất thuần, bản thân tín ngưỡng lại tồn tại quan niệm xung đột như trong cuộc ly giáo, thì hễ có nhân tố khác trộn lẫn vào thì có thể sẽ dẫn đến một bước suy yếu tín ngưỡng. Cùng với sự phát triển của lịch sử, càng ngày càng nhiều kết quả thí nghiệm khoa học được công bố và đăng tải khiến mọi người càng muốn tin vào những thứ tận mắt chứng kiến. Điều này dẫn đến tín ngưỡng chân chính của con người dần dần bị khoa học thay thế, còn tôn giáo thì dần dần bị coi là một loại văn minh nhân loại, là thứ trong khái niệm xã hội học.

Chia sẻ Facebook