Diễn đàn Kinh tế thế giới tìm mô hình toàn cầu hóa mới
Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thụy Sĩ phải đối mặt với một thực tế hoàn toàn mới của tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, đó là xu hướng co cụm hợp tác trong từng khối lớn.
Châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc đều đang tìm cách củng cố quyền tự chủ chiến lược của riêng mình, không còn ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế và tự do thương mại một cách vô điều kiện như trước nữa. Công nghiệp xe hơi là ví dụ điển hình của mô hình sản xuất dựa trên nền tảng toàn cầu hóa kinh tế. Quy trình chế tạo được chẻ nhỏ, cái gì làm được ở nước nào rẻ nhất thì thuê gia công tại nước đó. Hãng Renault của Pháp chẳng hạn, thuê tới 17.000 nhà cung cấp trên toàn thế giới chế tạo các linh kiện khác nhau. Nhưng đại dịch bùng nổ, chip bán dẫn từ châu Á không thể tới được các nhà máy lắp ráp xe hơi châu Âu.
Ông Peter Altmaier - Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết: "Thiếu hụt chip bán dẫn đã khiến hàng trăm nghìn chiếc xe ôtô không thể lắp ráp xong. Trong một chiếc xe có 6 đến 7 chip bán dẫn quan trọng, chỉ cần thiếu một chiếc là không thể hoàn thành chiếc xe, không thể giao xe".
Linh kiện xe hơi được chế tạo tại bất cứ nơi nào trên thế giới có chi phí sản xuất thấp nhất, với điều kiện phải giao hàng đúng hạn. Còn nếu đường biển tắc nghẽn, thì dù chỉ một tuần, mô hình sản xuất đó sẽ rối loạn.
Ông Salvatore Mercogliano - Giáo sư Đại học Campbell cho rằng: "Vấn đề lớn là dây chuyền lắp ráp. Nếu nhà máy BMW ở Đức phải nhập khẩu linh kiện từ châu Á, vận chuyển đường biển rối loạn có nghĩa là nhà máy phải ngưng hoạt động".
Chiến sự tại Ukraine, thêm một tai họa với ngành sản xuất xe hơi châu Âu. Ukraine gia công các bó dây điện, thường được ví như hệ nơ-ron thần kinh điều khiển chiếc xe. Mọi khi thì vận chuyển linh kiện từ Ukraine sang Tây Âu theo đường bộ rất dễ dàng, không ngờ, có ngày bom đạn làm tê liệt nhiều nhà máy chế tạo linh kiện xe hơi tại Ukraine.
Ông Paolo Gentiloni - Cao ủy châu Âu về Kinh tế nói: "Cú sốc từ sự kiện Nga và Ukraine đang rung chuyển thế giới, tác động trực tiếp đến sự sụp đổ hoạt động thương mại tại khu vực tiếp giáp phía đông Liên minh châu Âu. Những tác động tiêu cực gián tiếp đến nhu cầu của toàn thế giới là giá cả hàng hóa tăng cao, nguồn cung nguyên liệu thô và linh kiện đầu vào bị gián đoạn".
Âu Mỹ và Nga cấm vận lẫn nhau, càng làm cho câu chuyện thêm phức tạp. Trừng phạt kinh tế, chiến tranh thương mại… thêm những hàng rào vô hình, ngăn cách các thị trường. Sửa đổi mô hình toàn cầu hóa kinh tế sao cho phù hợp với bối cảnh mới đang trở thành chủ đề chính của các cuộc thảo luận diễn ra tại đây.
Sáng 22/5, Hội nghị Thường niên WEF đã khai mạc tại Davos, Thụy Sỹ với sự tham dự của hơn 2.500 đại biểu. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự hội nghị.