Diễn biến mới trước phiên phúc thẩm vụ án Trịnh Sướng sản xuất, buôn lậu xăng giả

Chia sẻ Facebook
10/02/2023 02:40:30

Trước ngày xét xử lại phiên phúc thẩm vụ án Sản xuất, buôn bán xăng giả liên quan Trịnh Sướng và đồng phạm, nhiều bị cáo bất ngờ có đơn kháng cáo.

Phiên tòa xét xử phúc thẩm dự kiến diễn ra từ ngày 13/2.


Liên quan vụ án, 30 bị cáo có đơn kháng cáo đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt hoặc kêu oan, xin xoá bản án; 3 bị cáo có kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông . Có 6 bị cáo vừa có đơn kháng cáo, vừa có kháng nghị của VKS.


Thêm một bị cáo kêu oan

Mới đây, bị cáo Lưu Phạm Quốc Anh (SN 1987) cũng bất ngờ có đơn kháng cáo, kêu oan gửi đến TAND Cấp cao tại Tp.HCM trước khi phiên xử phúc thẩm được mở lại.

Theo đó, bị cáo Quốc Anh cho rằng, trong vụ án này, mình chỉ là người thực hiện dịch vụ kế toán và báo cáo thuế theo yêu cầu của khách hàng.

Bị cáo hoàn toàn không biết đến hoạt động sản xuất, buôn bán xăng giả của những người liên quan trong vụ án nhưng bị quy kết là đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Nguyễn Ngọc Quan...


Hoãn xét xử do xuất hiện tình tiết mới

Trước đó, vào ngày 14/10/2022, TAND Cấp cao tại Tp.HCM đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án đường dây xăng giả Trịnh Sướng, tuy nhiên phiên tòa này tạm hoãn do xuất hiện tình tiết mới.

Theo Hội đồng xét xử (HĐXX), trước phiên toà, bị cáo Nguyễn Ngọc Quan có đơn tố cáo gửi đến Viện KSND Cấp cao tại Tp.HCM, TAND Cấp cao tại Tp.HCM, cho rằng bị cáo chỉ là người nhận tội thay cho ông L.M.T, SN 1976, ngụ huyện Nhà Bè, Tp.HCM.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Quan trình bày tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 14/10.

Sau đó, Quan và ông T. có hợp tác kinh doanh mua dung môi để bán lại kiếm lời. Việc mua bán dung môi được chia làm 2 nhóm.

Nhóm một là hàng dung môi mua về theo đơn hàng đã có sẵn rồi bán ra, tiền lời Quan và T. chia đôi. Hàng này không nhập về kho mà chở thẳng tới khách hàng bên mua.

Số dung môi này thường được doanh nghiệp mua về sử dụng pha chế thành chất đốt trong công nghiệp, pha vào sơn nước để sơn nhà cửa trong xây dựng, dùng tẩy rửa trong các nhà máy.

Còn nhóm thứ 2 là hàng dung môi mua về nhập vào kho bãi thì Quan không được hưởng gì và cũng không được biết gì mà hoàn toàn do T. bán lại. Sau này, Quan mới biết số hàng này liên quan đến việc làm xăng giả.


Cơ quan điều tra sau đó cũng xác định tất cả hoạt động mua bán dung môi thuộc “nhóm  1” nói trên là không vi phạm pháp luật và không liên quan gì đến vụ án. Hoạt động phạm tội chỉ thuộc về “nhóm  2”.

Sau khi vụ việc làm xăng giả bị cơ quan điều tra phát hiện, ông T. đã nhờ Quan đứng ra nhận tội thay để mình ở ngoài lo cho Quan thoát tột. Do không am hiểu pháp luật, Quan đã đứng ra nhận tội thay cho ông ông T..

Tại phiên tòa ngày 14/10, Đại diện VKS cho rằng cần triệu tập những người có liên quan đến phiên toà để làm rõ những nội dung trong đơn tố cáo, xem xét có hay không việc nhận tội thay.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Quan cũng đã nộp nhiều tài liệu, bằng chứng bao gồm tin nhắn, ghi âm,… chứng minh việc bị cáo Quan nhận tội thay cho ông L.M.T.

Vụ án Sản xuất, buôn bán xăng giả liên quan Trịnh Sướng và các bị cáo khác thực chất là 3 vụ án độc lập được nhập lại làm một. Các bị cáo trong 3 nhóm này không liên quan tới nhau mà được xác định là có hành vi tương tự nhau.

Các vụ án bao gồm: Nhóm bị cáo Trịnh Sướng cùng đồng phạm bị cáo buộc pha chế được 192 triệu lít, bán ra thị trường 188 triệu lít, thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng; Nhóm bị cáo Đinh Chí Dũng và đồng phạm bị cáo buộc pha trộn và bán ra thị trường hơn 4 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính 2,4 tỷ đồng; Nhóm bị cáo Nguyễn Thị Thu Hòa cùng đồng phạm bị cáo buộc pha trộn hơn 11 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hơn 3,5 tỷ đồng.


Bà Nguyễn Thị Thu Hòa cũng có đơn kêu oan, cho rằng bị cáo bị hình sự hóa quan hệ dân sự. Công ty TNHH MTV Phạm Sơn của gia đình bị cáo chuyên mua bán hóa chất theo danh mục được cấp phép, quá trình hoạt động đúng theo quy định của pháp luật. Việc các đối tác mua và bán lại cho người khác pha chế xăng giả bị cáo không được biết...

Chia sẻ Facebook