Điểm sáng trong công tác đấu tranh với tệ nạn ma túy tại Đắk Lắk

Chia sẻ Facebook
25/11/2022 19:34:03

Cùng với việc triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, lực lượng công an đã xây dựng các mô hình điểm đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy đạt hiệu quả.


Kiên quyết đấu tranh với tệ nạn ma túy

Là một “điểm nóng” về ma túy, thời gian qua, các ngành chức năng huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk gặp không ít khó khăn, thách thức trong công tác đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này.


Trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề này, Thiếu tá Lê Minh Cảnh – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế ma túy, Công an huyện Krông Búk cho biết, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn huyện trong thời gian qua diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng về số đối tượng, tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên.

Lực lượng Công an huyện Krông Búk nỗ lực đấu tranh với tội phạm về ma túy.

Đa số các đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy đều là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại địa bàn xã Cư Né, huyện Krông Búk.

Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Krông Búk nổi lên tình trạng trồng trái phép cây cần sa ở các địa điểm tương đối xa khu dân cư, hẻo lánh và ít người qua lại. Việc mua bán trái phép cây cần sa diễn tra trên các trang mạng xã hội.

Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, tất cả các đối tượng trồng cần sa trái phép đều đưa ra “bùa hộ mệnh” là trồng cần sa để cho gia súc, gia cầm ăn chống bệnh tật hòng che giấu hành vi phạm tội.

Nhiều tụ điểm trồng trái phép cây cần sa bị công an triệt xóa.

Theo số liệu thống kê đến ngày 12/10, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn huyện Krông Búk là 51 người; tổng số người nghiện ma túy là 19 người (giảm 69 người so với số liệu rà soát đến ngày 30/12/2021).

Theo Thiếu tá Lê Minh Cảnh, tệ nạn ma túy đã để lại hậu quả nặng nề cho gia đình, xã hội. Để có tiền sử dụng ma túy, các đối tượng đã tiêu tán hết tài sản của gia đình.

Khi trong nhà không còn gì để bán, các đối tượng đã tìm cách trộm cắp tài sản của người dân mang đi bán để lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện. Thực tế đau lòng này khiến cho nhiều người dân địa phương chỉ có 1-2kg gạo ăn cũng phải mang đi gửi mỗi khi có việc ra khỏi nhà.

Điều đáng lo ngại hơn cả, người nghiện ma túy hầu hết đều kiệt quệ về sức khỏe, không còn khả năng lao động. Không chỉ vậy, sau khi được đi cai nghiện, hầu hết các đối tượng đều tái nghiện và không thể dứt bỏ được vòng xoáy của ma túy. Thậm chí, đã có một số trường hợp sốc ma túy và bỏ mạng.

Thiếu tá Lê Minh Cảnh – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế ma túy, Công an huyện Krông Búk nói về những nỗ lực của lực lượng công an trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy.

Đứng trước những khó khăn, thách thức do tệ nạn ma túy gây ra, thời gian qua, Công an huyện Krông Búk đã triển khai toàn diện các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt các đối tượng và quản lý địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như qua mạng xã hội Zalo, Facebook, tuyên truyền trực tiếp tại các thôn có số người nghiện cao, qua các hội nghị...

Với tinh thần đấu tranh kiên quyết, từ ngày 16/12/2021 đến ngày 15/11/2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Krông Búk đã phát hiện 14 vụ/22 đối tượng (không tăng, không giảm so với cùng kỳ năm 2021).

Trong đó, triệt xóa nhiều tụ điểm như: 2 vụ/2 đối tượng trồng trái phép cây cần sa; 1 vụ/6 đối tượng trồng trái phép cây cần sa, mua bán trái phép chất ma túy; 1 vụ/2 đối tượng tổ chức sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy; 10 vụ/12 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy.

Lực lượng công an tuyên truyền cho người dân về những tác hại của ma túy.

Quá trình triệt phá các vụ án nói trên, lực lượng công an đã thu giữ 3,0818 gam chất ma túy loại Hêrôin; 3,6kg chất ma túy loại cần sa; 4,015 gam chất ma túy loại Methamphetamine; 1.799 cây cần sa.

Trong đó, vụ án điển hình được triệt phá là vụ án hình sự về tội trồng cây cần sa và mua bán trái phép chất ma túy được Công an huyện Krông Búk phát hiện, triệt phá. Qua đó, khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng, đồng thời thu giữ 1.635 cây cần sa và 3,6kg hoa cây cần sa đã được thu hoạch.

Theo Thiếu tá Lê Minh Cảnh, đây là vụ án rất nghiêm trọng với quy mô, tính chất, tổng số cây cần sa thu giữ lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn huyện Krông Búk cũng như trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Xây dựng mô hình phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Cùng với việc triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, lực lượng Công an huyện Krông Búk đã xây dựng các mô hình điểm trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy. Trong đó phải kể đến mô hình “Buôn Kmu – hai không một giảm về ma túy” tại xã Cư Né, huyện Krông Búk.

Lực lượng Công an xã Cư Né tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn.

Thiếu tá Tạ Quang Vĩnh Duy - Trưởng Công an xã Cư Né cho hay, ma túy xuất hiện trên địa bàn xã Cư Né khoảng hơn chục năm trước. Nguồn cung cấp ma túy cho người nghiện trên địa bàn xã Cư Né chủ yếu từ bên ngoài thẩm thấu vào. Các đối tượng thường tụ tập vài người chạy xe máy đi mua ma túy.

Trước tình hình này, lực lượng công an thường xuyên theo dõi, nắm bắt các tuyến đường người nghiện đi. Đồng thời, mật phục, tuần tra để phát hiện, xử lý kịp thời.

Đặc biệt, năm 2022, xã Cư Né đã thực hiện kế hoạch xây dựng và tổ chức hoạt động mô hình “Buôn Kmu – hai không một giảm về ma túy”.

Thiếu tá Tạ Quang Vĩnh Duy - Trưởng Công an xã Cư Né nói về mục đích của việc thực hiện mô hình “Buôn Kmu – hai không một giảm về ma túy”.

Theo Thiếu tá Tạ Quang Vĩnh Duy, việc thực mô hình nói trên nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo an ninh trật tự gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và phong trào khác ở địa phương.

Từ đó, thực hiện thành công mục tiêu “nói không với ma túy”, phòng chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội, đẩy lùi tệ nạn ma túy, giảm thiểu số người nghiện ma túy trên địa bàn.

Qua mô hình “Buôn Kmu – hai không một giảm về ma túy” cũng nhằm quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy tham gia cai nghiện cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, kiên quyết không để hình thành điểm nóng, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, cũng tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trưởng Công an xã Cư Né cho rằng, để thực hiện được mô hình nói trên thì tất cả các cơ quan, đoàn thể tại xã Cư Né đều vào cuộc quyết liệt nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu “không trồng cây chứa chất ma túy, không có tụ điểm phức tạp về ma túy, giảm số người nghiện”.

Quá trình thực hiện, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Đồng thời, vận động quần chúng quản lý, giáo dục người vi phạm tại gia đình, cộng đồng và khu dân cư.

Thiếu tá Lê Văn Thanh – Phó Trưởng Công an huyện Krông Búk cho biết, thời gian qua Công an huyện đã nỗ lực làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy chính quyền trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy.

Ngoài ra, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân trên địa bàn nhận thức được sự nguy hiểm của ma túy. Từ đó, chủ động có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi, tội phạm liên quan đến ma túy. Cứ như thế, mỗi người trở thành một chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh với ma túy.

Cùng với việc nhân rộng các mô hình điểm về ma túy, Thiếu tá Lê Văn Thanh – Phó trưởng Công an huyện Krông Búk cho hay, thời gian qua Công an huyện đã phối hợp với các phòng chức năng Công an tỉnh Đắk Lắk tiến hành đánh giá toàn diện tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn để có biện pháp đấu tranh, xử lý hiệu quả. Mặt khác, Công an huyện cũng nỗ lực làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy chính quyền trong quá trình đấu tranh với tội phạm về ma túy.

Cũng theo Thiếu tá Lê Văn Thanh, Công an huyện Krông Búk còn tham mưu cho UBND các cấp làm công tốt công tác chính sách đối với người đồng bào dân tộc thiểu số. Để từ đó, có những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm đảm bảo các chính sách, cuộc sống cho người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Mặt khác, có định hướng phát triển kinh tế nhằm nâng cao mức sống cho người dân, ổn định công ăn việc làm...

Chỉ có như vậy, mới giảm được tình trạng nghiện ma túy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giảm tình trạng vi phạm pháp luật về ma túy, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.


Khánh Ngọc

Chia sẻ Facebook