Điểm sáng bất động sản công nghiệp và những triển vọng
Bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng thời gian tới khi Việt Nam hưởng lợi lớn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
B ất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng
Theo bà Dung, đất công nghiệp cho thuê hiện có tỷ lệ lấp đầy gần như 100%. Tại các thị trường cấp 1 như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên... gần như không còn đất cho thuê. Thay vào đó, các thị trường cấp 2 như Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên... dần trở thành những điểm hấp dẫn với quỹ đất còn nhiều và giá thành rẻ.
CBRE kỳ vọng giá cho thuê bất động KCN tiếp tục tăng trong những năm tới, với tốc độ khoảng 5-9%/năm tại khu vực phía Bắc và 3-7% tại phía Nam.
Ngoài ra, bà Dung cho rằng, sản phẩm nhà xưởng cho thuê sẽ phát triển mạnh cùng sự cải thiện của lĩnh vực logistics. Với nhu cầu cao, giúp nhà đầu tư nước ngoài giảm thời gian tìm đất và lo giấy phép, đây đang là sản phẩm hấp dẫn, tỷ lệ lấp đầy cũng lên tới 80%. Mức giá cho thuê cũng tăng liên tục.
"Cánh cửa mới” cho các quỹ đầu tư
Theo Thời báo Tài Chính Việt Nam, theo các chuyên gia, với lợi thế từ các yếu tố vĩ mô và sức hút trên hầu hết các phân khúc, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn cho dòng tiền và các nhà đầu tư, đặc biệt mang đến nhiều cơ hội hơn cho bất động sản công nghiệp - phân khúc hưởng lợi trực tiếp từ các làn sóng đầu tư mới.
Làn sóng đầu tư mạnh mẽ được cho là đến từ việc Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác với một loạt nền kinh tế lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và mới đây là Australia... Khi dòng vốn chảy mạnh vào nền kinh tế, các khu công nghiệp được xem như “thỏi nam châm” hút mạnh dòng tiền.
Báo cáo triển vọng của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp của Công ty Chứng khoán MBS dự báo, triển vọng của nhóm bất động sản công nghiệp thời gian tới tiếp tục đến từ điều kiện vĩ mô ổn định, cùng với việc duy trì thu hút tốt vốn FDI của Việt Nam nhờ nâng tầm quan hệ với các cường quốc.
MBS cũng cho rằng, bước sang năm 2024, các khu công nghiệp truyền thống sẽ dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Thay vào đó, khu công nghiệp hướng tới yếu tố xanh, bền vững ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư, hướng vào các dự án công nghệ cao sử dụng nguyên liệu sạch, giảm phát thải khí carbon ra môi trường đang là xu thế hiện nay. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang thị trường loại 2 nhờ nguồn cung lớn, giá thuê thấp.
Ông Thomas Rooney - Quản lý cấp cao Bộ phận Tư vấn công nghiệp Savills Hà Nội, đánh giá các thị trường khu công nghiệp nhóm 2 đang cho thấy nhiều tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, tại khu vực phía kinh tế trọng điểm phía Bắc, Bắc Ninh là địa phương nổi bật về thu hút FDI. Theo Cục Thống kê Bắc Ninh, năm 2023, thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp tại tỉnh đạt 1,104 tỷ USD (vượt 163,7% so với năm 2022). Bắc Ninh không chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất và logistics, mà còn từ các chủ đầu tư cho thuê trong nước và nước ngoài.
Ngoài ra, Vĩnh Phúc cũng là một thị trường đáng chú ý. Hiện tại, có nhiều hoạt động đầu tư đang diễn ra âm thầm tại đây và sẽ có thêm nhiều thông tin về các nhà đầu tư nước ngoài khởi công dự án trong năm nay.
Theo ông Thomas Rooney, tỷ lệ sử dụng đất tại các địa phương phía Nam Hà Nội như Hưng Yên, Hà Nam… đang cho thấy tín hiệu tích cực. Giá đất cạnh tranh mở ra “cánh cửa mới” cho các quỹ đầu tư, giúp họ tận dụng sớm những cơ hội sinh lời hấp dẫn. Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào, vị trí gần thị trường tiêu thụ chính, thuận lợi tiếp cận cảng biển đi kèm cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện cũng là những yếu tố củng cố sức hút của khu vực này.
Trong thời gian tới, Nam Định hay Thái Bình là những thị trường nhóm 2 tiếp theo dự báo có sự phát triển nổi bật về bất động sản khu công nghiệp. Những địa phương này vốn được biết đến với thế mạnh về dệt may, song thời gian gần đây chứng kiến dòng vốn mới vào các lĩnh vực công nghiệp có giá trị cao hơn.
Đào Vũ (T/h)