“Điểm nóng” đất nền Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận… đang diễn biến thế nào?
Cuối năm 2021, đầu năm 2022, khi hàng rào phong tỏa phía Nam dần được gỡ bỏ, cũng là lúc sốt đất xảy ra rầm rộ diễn ra. Trong đó, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận… liên tục được gọi tên trong cơn sốt đất. Nhà đầu tư khắp nơi đổ xô về đây mua bán, giá tăng dựng đứng.
Sau khi mua 5 mảnh đất nông nghiệp tại Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) vào tháng 2/2022, chỉ sau đó 2 tháng, anh T (một nhà đầu tư BĐS lâu năm tại Tp.HCM) được NĐT khác trả giá gấp đôi giá mua vào mỗi mảnh nhưng anh T không bán mà chờ thêm. Hiện tại, anh T cho biết, mức giá đất "đứng lại" bằng với giá mà nhà đầu tư đó đã trả. Do chưa cần tiền nên anh T vẫn tiếp tục chờ đợi thêm tín hiệu của thị trường và có thể chốt lời vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023.
"Hiện tại, sóng thị trường khu vực yếu hơn đầu năm. Tuy nhiên, mặt bằng giá chưa có dấu hiệu đi xuống. Đa số nhà đầu tư mua đất nông nghiệp tại Bình Thuận thời điểm cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 đều chưa sốt sắng bán ra lúc này. Tuy nhiên, cũng có một số nhóm đầu tư lướt sóng bị khựng lại do chưa ra được hàng ở thời điểm này như dự tính ban đầu", anh T cho hay.
Trong khi đó, chị H (ngụ Q.12) bán mảnh đất tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cuối năm 2021 với mức giá 1.5 tỉ đồng. Đến đầu năm 2022, giá mảnh đất này tăng lên 1.6 tỉ đồng/nền. Tuy nhiên, hiện tại mảnh đất cùng diện tích, khu vực đang giao dịch với giá 1.5 tỉ đồng.
Theo một môi giới khu vực, mặt bằng giá đất nền Nhơn Trạch đã chững lại từ thời điểm tháng 5/2022 do các thông tin về chính sách. Một số nền đất trước đó chào bán giá cao nhưng sau đó giảm chút đỉnh, mặt bằng chung là không tăng nhưng không giảm mạnh. Sau vài tháng im ắng, hiện đất đai tại khu vực này đã có "sóng" trở lại, tuy nhiên chưa nhộn nhịp như thời điểm đầu năm 2022. Một số nhà đầu tư có tiền vẫn âm thầm gom đất lúc thị trường chậm để chờ chốt lời khi thị trường tốt lên.
Bình Phước cũng là khu vực rộn ràng cuối năm 2021 đến đầu năm 2022. Thời điểm đó, các nền đất thổ cư lẻ hoặc đất nông nghiệp của dân bản địa liên tục được nhà đầu tư các nơi tìm kiếm. Thậm chí, có một số khu vực, nhà đầu tư phía Bắc vào chốt mua khiến thị trường nơi đây có thời điểm giá biến động tăng nhanh; môi giới bán buôn liên tục. Tuy nhiên, nếu so với thị trường Đồng Nai hay Bình Thuận, BĐS Bình Phước nhìn chung chậm hơn một nhịp; sản phẩm đất nền dự án khó thanh khoản, mức độ tăng giá chậm.
Hiện tại, do ảnh hưởng chung toàn thị trường, BĐS khu vực này có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo một nam môi giới khu vực, giá đất Bình Phước so với đầu năm không biến động tăng. Riêng đất nông nghiệp mặt tiền lớn giá tăng khoảng 5% so với đầu năm. Một số nhà đầu tư mua đất nông nghiệp đầu năm hiện vẫn chờ chưa bán ra ở giai đoạn này.
Chia sẻ về câu chuyện khi nào sốt đất trở lại, trong báo cáo thị trường quý 2/2022, Hội môi giới BĐS Việt Nam cho hay, về mặt nguyên tắc, khi giá đất bị đẩy lên mức bất thường, vượt qua đóng góp của chính nó vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống người dân, giá đất sẽ lắng xuống và quay đầu giảm sốc. Tuy nhiên, để tình hình chóng bình ổn trở lại, cũng là giảm thiểu thiệt hại cho những nhà đầu tư non trẻ thiếu kinh nghiệm, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp kiểm soát đất đai và giao dịch đất đai.
Tại một số địa phương (ngoại thành Hà Nội, Bình Phước, Lâm Đồng...), việc phân lô bán nền, nguyên nhân chính của tình trạng sốt đất, đã bị hạn chế và dần loại bỏ. Đánh thuế giao dịch bất động sản dựa trên giá trị giao dịch cũng đang là dự thảo nhận được nhiều chú ý khi mức giá giao dịch vẫn chưa được xác định một cách nhất quán. Việc đánh thuế sở hữu nhà đất đang được cân nhắc...
Theo đơn vị này, đất đai là một công cụ sản xuất với mức giá hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Để tránh việc giá cả vượt quá giá trị thực tế, gây nên những cơn sốt không đáng có, giảm hiệu suất sử dụng đất,... việc minh bạch thông tin vẫn là điểm mấu chốt.