Điểm nhấn trong bài phát biểu của ông Putin tại St. Petersburg

Chia sẻ Facebook
17/06/2023 15:43:53

Tổng thống Nga cập nhật thiệt hại của Ukraine, cảnh báo NATO về chiến đấu cơ F-16… tuyên bố không dạy Tổng thống Mỹ mà “để ông ấy làm những gì ông ấy thấy phù hợp”.


Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/6 đã có bài phát biểu quan trọng dài kỷ lục tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 26, kéo dài khoảng 79 phút.

Bên cạnh các chủ đề kinh tế, Tổng thống Nga đã đưa ra nhiều tuyên bố về các vấn đề chính sách quốc tế, chủ yếu xoay quanh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và một cuộc đối đầu rộng lớn hơn chống lại tập thể phương Tây.


Cuộc phản công của Ukraine

Tổng thống Nga đã cung cấp thông tin cập nhật về cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine. Theo ông Putin, đến nay, các lực lượng của Kiev đã mất khoảng 186 xe tăng và 418 xe bọc thép các loại.

“Tổn thất của họ rất nặng nề – gấp 10 so với của quân đội Nga. Đó là một thực tế. Thiệt hại về thiết bị cũng đang tăng lên mỗi ngày”, ông Putin nói, đồng thời cho biết thêm rằng Kiev cho đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu của mình, lãng phí nguồn dự trữ chiến lược trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga.

“Điều quan trọng là Kiev đã không đạt được thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào”.


Viện trợ quân sự của phương Tây

Hành động quân sự tăng cường đã gây ra sự cạn kiệt nhanh chóng kho dự trữ vũ khí của chính Ukraine, ông Putin cho biết, đồng thời dự đoán rằng các lực lượng vũ trang của đất nước Đông Âu sẽ trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài trong tương lai gần nhất.

“Các vị sẽ không thể gây chiến lâu như vậy. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi đang phát triển từng ngày”, ông nói.

Bất kỳ loại vũ khí nào mà Kiev nhận được từ tập thể phương Tây đều sẽ bị phá hủy, ông Putin cảnh báo.

“Xe tăng đang bốc cháy. Trong số đó có Leopard. Chúng đang cháy. F-16 cũng sẽ cháy như vậy. Không còn nghi ngờ gì nữa”, Tổng thống Nga tuyên bố, đề cập đến khả năng chuyển giao máy bay tiên tiến do Mỹ sản xuất mà Kiev đã tìm kiếm từ lâu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu dài kỷ lục tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 26, ngày 16/6/2023. Ảnh: Sputnik


Sự dính líu của NATO

Khả năng chuyển giao chiến đấu cơ F-16 sẽ khiến khối NATO do Mỹ đứng đầu can dự sâu hơn vào cuộc xung đột, ông Putin nói. Hơn nữa, máy bay có thể sẽ đồn trú ở nước ngoài, và chỉ hoạt động trong không phận Ukraine khi thực hiện các lần xuất kích chiến đấu.

Trong trường hợp như vậy, “chúng tôi sẽ tìm ra vị trí và cách thức chúng tôi có thể tấn công những phương tiện được sử dụng trong các hoạt động chiến đấu chống lại chúng tôi”, ông Putin nói. “Điều này tạo ra một nguy cơ nghiêm trọng khiến NATO bị kéo sâu hơn vào cuộc xung đột vũ trang này”.


Vùng đệm”

Bằng cách cố gắng tấn công Điện Kremlin và vùng Belgorod của Nga, Kiev đang kích động Moscow thực hiện “các biện pháp trả đũa nghiêm trọng và mạnh mẽ”, ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố nước ông có thể phá hủy bất kỳ mục tiêu nào ở trung tâm Kiev nhưng thấy không cần thiết phải làm như vậy. “Chúng tôi đã phá hủy 5 hệ thống Patriot bên ngoài Kiev, vì vậy chúng tôi sẽ không gặp vấn đề gì khi xóa sổ bất kỳ tòa nhà nào ở trung tâm thành phố Kiev. Chúng tôi có cơ hội, nhưng không cần thiết phải làm như vậy”.

Tuy nhiên, ông cảnh báo, nếu các cuộc tấn công vào khu vực biên giới của Nga tiếp tục diễn ra, Moscow sẽ xem xét khả năng tạo ra “vùng đệm” ở Ukraine.


Đàm phán về đảm bảo an ninh


Moscow chưa bao giờ từ chối tham gia đối thoại với tập thể phương Tây, đưa ra một đề xuất thỏa thuận an ninh toàn diện ngay trước khi các hành động thù địch hiện nay bắt đầu, ông Putin nói. Tuy nhiên, phương Tây đã từ chối đối thoại. Nhưng cuối cùng, họ sẽ buộc phải từ bỏ lập trường đối đầu.

“Về việc có cần tiến hành đối thoại với họ hay không, tôi nhắc lại một lần nữa, chúng tôi không bác bỏ cuộc đối thoại này”, ông Putin nói. “Chính họ đã quyết định cắt đứt cuộc đối thoại này với chúng tôi. Họ không muốn nói chuyện. Chẳng sao cả, vì cuối cùng họ vẫn sẽ phải làm vậy”.

Binh sĩ Ukraine chụp ảnh gần tiền tuyến vào ngày 13/6/2023 tại làng Neskuchne (vùng Donetsk), mà Kiev nói rằng họ đã tái chiếm từ các lực lượng Nga trong một cuộc phản công. Ảnh RFE.RL


Liên lạc với Mỹ

Tổng thống Nga cho biết, “hầu như không có liên lạc” giữa Nga và Mỹ, nhưng Moscow không từ chối liên lạc. Ông nói: “Nếu bất kỳ ai muốn xây dựng đối thoại với chúng tôi, họ đều được hoan nghênh”.

“Tổng thống Mỹ Biden là một người đàn ông trưởng thành và là một chính trị gia giàu kinh nghiệm. Tôi là ai mà có thể dạy ông ấy? Hãy để ông ấy làm những gì ông ấy thấy phù hợp. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi tin là phù hợp với lợi ích của nước Nga và người dân Nga. Mọi người sẽ phải tính đến điều này”, ông Putin nói.


Sử dụng vũ khí hạt nhân

Tổng thống Nga cũng cảnh báo rằng chớ nên bình thường hóa các cuộc nói chuyện về sử dụng vũ khí hạt nhân, rằng “thực tế là việc thảo luận về chủ đề này đã hạ thấp ngưỡng sử dụng chúng”. Đồng thời, người đứng đầu Điện Kremlin bác bỏ ý tưởng tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân nào với phương Tây.

“Chúng tôi sở hữu nhiều loại vũ khí như vậy hơn các nước NATO. Họ biết điều đó và luôn cố gắng thuyết phục chúng tôi bắt đầu đàm phán cắt giảm”, ông nói.

Nga không có nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng “về lý thuyết, chắc chắn là có thể” sử dụng chúng, ông nói. “Điều đó có thể xảy ra nếu có mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và chủ quyền của chúng tôi, cũng như đối với sự tồn tại của nhà nước Nga”.


Lô đầu đạn hạt nhân chiến thuật đầu tiên đã được chuyển tới Belarus . “Chúng tôi sẽ hoàn tất công việc này vào cuối năm nay” .


Minh Đức (Theo RT, TASS)

Chia sẻ Facebook