Điểm loạt sai phạm của ông lớn xăng dầu: Mua bán kiểu ‘chở củi về rừng’

Chia sẻ Facebook
26/12/2022 09:46:50

Ngoài vi phạm về tiêu chí đại lý phân phối, loạt kết luận thanh tra được coi là lớn nhất trong lịch sử ngành xăng dầu còn cho thấy tình trạng mua bán xăng dầu bát nháo, trong một lĩnh vực mà điều kiện kinh doanh được quy định khá rõ ràng và chặt chẽ.

Điểm loạt sai phạm của ông lớn xăng dầu: Mua bán kiểu ‘chở củi về rừng’

“Anh chỉ là thương nhân phân phối, đại lý, công ty con mà lại đi bán hàng ngược cho tổng đầu mối có chức năng xuất nhập khẩu thì siêu quá, chẳng khác nào chở củi về rừng”, một chuyên gia xăng dầu thốt lên như vậy khi nhìn vào kết luận thanh tra loạt ông lớn xăng dầu mà Bộ Công Thương vừa ban hành.

Tràn lan “mua bán ngược”

Đầu tiên, theo quy định, các công ty con, chi nhánh của đầu mối (thương nhân xuất nhập khẩu) chỉ được phép thực hiện các việc được uỷ quyền của đầu mối như ký hợp đồng với thương nhân phân phối; ký hợp đồng nhượng quyền bán lẻ với thương nhân nhận quyền bán lẻ, giao đại lý và bán buôn cho đơn vị tiêu dùng trực tiếp. Còn doanh nghiệp đầu mối thì không mua xăng dầu của các công ty con, chi nhánh của đầu mối khác.

Thế nhưng, qua xác minh, đoàn thanh tra chỉ ra rằng có tình trạng mua bán ngược của không ít đầu mối với chi nhánh, công ty con.


Đơn cử như tại đầu mối Công ty Anh Phát (Thanh Hoá), thương nhân xuất nhập khẩu này liên tục mua xăng dầu từ một loạt doanh nghiệp như Công ty Xăng dầu Khu vực II (Công ty con của Tập đoàn Xăng dầu), Công ty TNHH MTV Petro Bình Minh Bắc Giang (công ty con của Petro Bình Minh), Chi nhánh Công ty CP Xăng dầu dầu khí Ninh Bình tại Thanh Hoá (chi nhánh của công ty con thuộc Tổng Công ty Dầu Việt Nam).

“Do các công ty này không phải là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên việc bán xăng cho Công ty Anh Phát là không đúng quy định Nghị định 83 và Thông tư 38 về kinh doanh xăng dầu”, kết luận nêu rõ.

Tương tự, khi thanh tra Công ty CP Hoá dầu Quân đội cho thấy, trong thời kỳ thanh tra (1/2021-2/2022), doanh nghiệp này (và các công ty con, chi nhánh như Công ty Xăng dầu MIPEC) có mua xăng dầu của các thương nhân phân phối là “chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của thương nhân xuất nhập khẩu”.

Loạt kết luận thanh tra cho thấy tình trạng mua bán xăng dầu bát nháo của các doanh nghiệp (Ảnh: Chí Hùng)


Song điển hình nhất phải nhắc đến một đầu mối lớn tại TP.HCM là Công ty Phúc Lâm (có địa chỉ P.Phú Mỹ, Quận 7). Trong đó, ở chiều bán ra, thương nhân xuất nhập khẩu này giao hàng cho nhiều đối tác thuộc hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối khác. Ví dụ như bán hàng cho Công ty CP Xăng dầu dầu khí Sài Gòn – là đơn vị do đầu mối Tổng Công ty Dầu VIệt Nam (PVOil) sở hữu hơn 65% vốn. “Việc công ty con của PVOil mua xăng dầu của Công ty Phúc Lâm là không đúng quy định”, đoàn thanh tra nhấn mạnh.


Một trường hợp khác là Phúc Lâm bán hàng cho Công ty An Hào (Q. Bình Thạnh, TP.HCM ) trong khi đây là đơn vị có doanh nghiệp cung cấp xăng dầu là Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bà Rịa-Vũng Tàu. Phúc Lâm thừa nhận đã bán cho An Hào 432.000 lít với tiền hàng hơn 6,5 tỷ đồng.

Hiện nay, dù quy định là doanh nghiệp chỉ được mua hàng của 1 đầu mối nhưng thanh tra phát hiện có trường hợp như Công ty Toàn Việt (Đồng Nai) nhập hàng từ 4 nguồn đầu mối khác nhau. Trước đó, Toàn Việt được đầu mối Phúc Lâm cấp hàng, sau đổi sang Công ty Xuyên Việt Oil. Chỉ riêng trong thời kỳ thanh tra, ngoài việc mua của Phúc Lâm, Xuyên Việt, công ty này còn lấy hàng của đầu mối Tín Nghĩa, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn. Điều này là sai quy định về kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83.

Thu hồi giấy phép vẫn bán hàng

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, dù là doanh nghiệp đầu mối nhưng Công ty Phúc Lâm lại mua hàng của nhiều doanh nghiệp thuộc các đầu mối khác nhau, như nhập hàng từ hai công ty con thuộc Tổng Công ty Dầu PVOil (gồm Công ty Xăng dầu khu vực 2 và Công ty Xăng dầu Kiên Giang) mặc dù trong kỳ thanh tra 2 công ty này không phải thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối. “Việc các doanh nghiệp này bán xăng cho Công ty Phúc Lâm là không phù hợp quy định”, kết luận thanh tra nêu.

Đặc biệt, Công ty Phúc Lâm còn mua xăng dầu của Công ty CP Xuất nhập khẩu nhiên liệu Đông Đô khi doanh nghiệp này đã có quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu và chưa được cơ quan quản lý công nhận thương nhân phân phối.


Điều đáng nói, các quy định này được nêu rất rõ và nhiều lần trong Nghị định 95 (sửa đổi Nghị định 83) và Thông tư 38 về kinh doanh xăng dầu nhưng “lạ” là rất nhiều thương nhân đầu mối lớn vi phạm. Như trường hợp Công ty CP Xăng dầu và Dịch vụ hàng hải S.T.S (có trụ sở tại P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM ) mua xăng dầu từ Công ty Xăng dầu Đồng Nai, cũng được Bộ Công Thương kết luận là “không đúng với quy định”.

Hay một trường hợp khác là đầu mối Trung Linh Phát. Dù đã được Bộ Công Thương cấp phép thành doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu từ đầu năm 2021 nhưng Công ty Trung Linh Phát vẫn “giữ thói cũ” là mua hàng từ các thương nhân phân phối.

Y như vậy, Vĩnh Long Petro được cấp giấy phép thành thương nhân đầu mối từ cuối năm 2021 song vẫn chỉ mua hàng từ Công ty TNHH Sông Tiền Petro. Đoàn thanh tra cho rằng, việc các đầu mối này không mua hàng từ các nhà máy sản xuất, thương nhân đầu mối mà chỉ mua của thương nhân phân phối là không phù hợp quy định của nghị định kinh doanh xăng dầu.

Một chuyên gia từng có nhiều năm điều hành xăng dầu nhấn mạnh: Việc các doanh nghiệp, nhất là đầu mối, mua bán lòng vòng, lấy hàng từ nhiều nguồn nguy hiểm nhất ở chỗ: khi cơ quan quản lý tổng hợp nguồn cung thì thấy đủ, nhưng rất có thể 1 lít xăng đã được tính đi tính lại nhiều lần vào báo cáo. “Điều này khiến cho cơ quan quản lý cứ nói tổng cung thì thừa nhưng thực tế chưa chắc đã thế. Nên không chỉ người dân đâu mà cả đại biểu Quốc hội cũng nghi vấn là sao cơ quan quản lý cứ bảo đủ xăng mà dân cứ kêu thiếu”,  vị này phân tích.

Chí Vỹ

Chia sẻ Facebook