Điểm danh những ngành học ra trường dễ có việc làm ngay | VTV.VN
12 ngành học dưới đây đang có nhu cầu cao về nhân lực và các bạn học sinh lớp 12 có thể tham khảo để chọn lựa trước kỳ tuyển sinh tới đây.
Danh sách 12 ngành này chưa kể các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ ĐH khác thuộc các lĩnh vực này đã được phê duyệt cho phép đào tạo.
Danh sách được Bộ GD-ĐT đưa ra cùng với thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2022.
Quy định nêu rõ, các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ ĐH đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các ngành này được Bộ GD-ĐT công bố trong từng giai đoạn và được điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở căn cứ nhu cầu nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội theo chủ trương, định hướng của nhà nước.
Đại dịch COVID-19 hoành hành khiến lĩnh vực Du lịch, khách sạn gần như bị ‘đóng băng’ trên phạm vi toàn cầu nhưng đây vẫn là nhóm ngành hot thu hút rất đông nguyện vọng đăng ký trong các mùa tuyển sinh.
Thống kê của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho thấy, năm 2021, nhóm ngành Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân có tổng trên 199.000 thí sinh đăng ký trong khi chỉ tuyển hơn 24.000 chỉ tiêu. Như vậy, nếu so tổng nguyện vọng trên tổng chỉ tiêu thì nguyện vọng có số lượng gấp 8,2 lần chỉ tiêu.
Thêm vào đó, số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào nhóm ngành trên là trên 48.000, do đó số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1/tổng chỉ tiêu vào nhóm ngành du lịch là hơn 201% và đứng thứ 4 trong 15 nhóm ngành được thí sinh đăng ký nguyện vọng nhiều nhất.
Đưa ra quan điểm Công nghệ thông tin thực sự là một lĩnh vực bùng nổ trong xã hội, PGS.TS Phạm Việt Cường, Trưởng Bộ môn Tin học y tế, Trường Đại học Y tế Công cộng cho biết: "Các em sinh viên sẽ được cung cấp thông tin cũng như kỹ năng, kiến thức giúp quản lý sử dụng thông tin trong ngành y tế, chăm sóc cho bệnh nhân và cộng đồng. Qua đó, đáp ứng được chuyển đổi số quốc gia cùng như trong ngành".
Trên thực tế, tại trường Đại học Y tế Công cộng, năm nay cũng dành 50 chỉ tiêu cho ngành mới Khoa học dữ liệu, đáp ứng nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế.
Với các ngành trình độ ĐH có nhu cầu cao về nhân lực, giảng viên thỉnh giảng được xác định bao gồm cả các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý. Đây là những người lao động có bằng tốt nghiệp ĐH cùng ngành hoặc nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo; đồng thời có từ 5 năm trở lên kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp tại doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp gắn với ngành và lĩnh vực đào tạo.
Theo đó, số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi để xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành có nhu cầu cao về nhân lực được tính tối đa bằng 40% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo lĩnh vực này. Về điểm này, các ngành đào tạo có nhu cầu nhân lực cao được ưu tiên hơn các ngành khác. Chẳng hạn, với các ngành đào tạo giáo viên, giảng viên thỉnh giảng không được tính để xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch. Theo đó, khuyến khích sinh viên đã tốt nghiệp các ngành khác được chuyển sang học văn bằng thứ hai các ngành du lịch tại các cơ sở đào tạo du lịch. Song song với du lịch, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở ĐH khẩn trương triển khai xây dựng đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trình độ ĐH, cụ thể cho phép sinh viên ngành khác chuyển sang học các ngành thuộc lĩnh vực này.
Nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh nhận định, tâm lý chọn ngành ‘hot’ của phụ huynh, học sinh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn ngành nghề, thí sinh không nên quá chú trọng vào ngành ‘hot’, thay vào đó là cân nhắc ngành học dựa trên sự yêu thích và khả năng của bản thân. Có thể, một số ngành nghề thời điểm hiện tại rất ‘hot’ nhưng chưa chắc trong tương lai đã có nhu cầu nhân lực cao.
Và dĩ nhiên, ngành càng ‘hot’ thì sự cạnh tranh lại càng cao. Hiện nay, không ít học sinh mắc sai lầm khi chọn trường rồi mới chọn ngành và thường có xu hướng chọn theo đám đông.
Ở Việt Nam có khoảng 240 trường ĐH với gần 370 ngành đào tạo, trong khi có hơn 3.000 nghề khác nhau. Như vậy, số ngành ít mà số nghề lại rất nhiều. Điều quan trọng nhất là các em cần biết mình phù hợp với công việc nào, muốn làm gì và nên chọn những ngành học mình có thế mạnh, để có một định hướng tương lai rõ ràng.
Bài viết: Trung Khánh Thiết kế: Minh Thu