Điểm danh các địa phương được dự báo tiếp tục đón dòng vốn FDI trong năm 2022
Các chuyên gia ACBS cho rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI năm 2022 sẽ tiếp tục đổ vào các thành phố lớn có cơ sở hạ tầng thuận tiện và các đầu mối công nghiệp lớn.
Dòng vốn các nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ tiếp tục đổ vào kênh chứng khoán
Báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán ACB (ACBS) cho hay, năm 2022, tiêu dùng sẽ tăng trở lại sau thời gian dài giãn cách xã hội. Hoạt động sản xuất của các nhà máy cũng quay lại guồng hoạt động cũ và thậm chí với năng suất cao hơn nhằm lắp đầy tồn kho thiếu hụt trong thời gian giãn cách, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tăng cao.
Theo ACBS, giá trị bình quân CPI năm 2022 sẽ không ở mức thấp như năm 2021 và sẽ chịu áp lực tăng vì 2 yếu tố. Đầu tiên, giá dầu leo thang gần đây được thúc đẩy bởi hoạt động SX trở lại và căng thẳng địa chính trị tại biên giới Nga - Ukraine. Ngoài ra, giá bán lẻ xăng tăng cùng với sự tăng mạnh của giá dầu thế giới.
Tuy nhiên, báo cáo kỳ vọng lạm phát vẫn sẽ duy trì dưới mức 4% do Chính Phủ đề ra trong năm 2022, được hỗ trợ bởi giá lương thực – thực phẩm ổn định khi vận chuyển và chuỗi cung ứng hàng hóa được bình thường hóa vào năm 2022. Cùng với đó, lương thực – thực phẩm sẽ không bị thiếu hụt nguồn cung do nhu cầu tăng cao hoặc do gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc do sản lượng thấp vào năm 2022. Cuối cùng, quy mô gói kích cầu tương đối nhỏ (+~3% tổng cung tiền và ~ 4% GDP năm 2021).
Bất chấp tác động tiêu cực từ dịch bệnh, năm 2021 là một năm kỷ lục đối với TTCK Việt Nam với chỉ số VN-Index tăng 35,7% so với đầu năm, kết thúc năm với 1.498,3 điểm. VN-Index đạt đỉnh 1.500,8 vào ngày 25/11/2021.
Từ mức bình quân 6.254,1 tỷ/phiên vào năm 2020, thanh khoản thị trường đã tăng gấp 3, đạt 20.027,0 tỷ/phiên (871 triệu USD), đạt mức cao nhất vào giữa tháng 11 là 43.141,5 tỷ/phiên (1,9 tỷ USD). Số lượng tài khoản giao dịch mới tăng vọt; từ 2,8 triệu tài khoản chứng khoán vào cuối năm 2020, tổng tài khoản chứng khoán Việt Nam đạt 4,3 triệu vào cuối năm 2021, với hơn 220.000 tài khoản mới hàng tháng trong tháng 11-12/2021, phần lớn là tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Đối với năm 2022, báo cáo chỉ rõ, dòng vốn các nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ tiếp tục đổ vào kênh chứng khoán, TTCK Việt Nam sẽ ít rủi ro hơn và được cơ cấu tốt hơn cùng với sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư trong nước, thu hút dòng vốn nội địa và tránh các hành động bán tháo trong hoảng loạn của các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường.
"Khi các thị trường phát triển khác trở nên ít biến động hơn, các thị trường cận biên và mới nổi như Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với tiềm năng sinh lời cao hơn, thu hút được dòng vốn nước ngoài trở lại vào thị trường Việt Nam", báo cáo nhấn mạnh.
Cuối cùng, TTCK Việt Nam sẽ cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm tài chính đa dạng hơn, giúp Việt Nam từng bước đáp ứng các tiêu chí để được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với vốn FDI
Đáng chú ý, liên quan đến FDI, Việt Nam thu hút được 31,2 tỷ USD vốn FDI trong năm 2021, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này vẫn thấp hơn con số 38 tỷ USD được ghi nhận trước khi đại dịch xảy ra vào năm 2019, nhưng tốc độ tăng trưởng theo năm trong bối cảnh làn sóng COVID-19 mạnh nhất vào năm 2021.
Trong năm 2021, có 1.738 dự án mới được phê duyệt với tổng vốn đăng ký trên 15,2 tỷ USD như nhà máy điện LNG I và II tại Long An (3,1 tỷ USD), nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (1,3 tỷ USD). Điều này cho thấy các dự án quy mô lớn hơn sẽ vào Việt Nam trong vài năm tới.
Vốn giải ngân giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 19,7 tỷ USD vào năm 2021. Theo ADB tại Việt Nam, sự sụt giảm này chủ yếu đến từ các dự án quy mô nhỏ dưới 5 triệu USD và dưới 1 triệu USD, đây không phải là một dấu hiệu xấu khi các dự án quy mô lớn hơn sẽ đến.
Đáng chú ý, vốn đăng ký bổ sung đạt hơn 9 tỷ USD vào năm 2021, tăng mạnh 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong số vốn đăng ký bổ sung đó, có thể kể đến dự án LG Display tại Hải Phòng (2,2 tỷ USD).
Về các đối tác, 6 nước và vùng lãnh thổ đối trọng hàng đầu với Việt Nam thuộc khu vực châu Á, chiếm gần 84% tổng vốn đăng ký vào Việt Nam năm 2021. Tất cả đều đăng ký vốn cao hơn nhiều so với năm 2020 như đối tác lớn nhất Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Sang năm 2022, báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với vốn FDI do chuỗi cung ứng toàn cầu cần được tổ chức lại. Hơn nữa, Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng cho các nước ASEAN, đặc biệt là đối với lĩnh vực chế biến và chế tạo, nhờ nguồn lao động có tay nghề cao với chi phí thấp và một số hiệp định FTA được ký kết gần đây sẽ tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thêm vào đó, căng thẳng liên tục giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là động lực thúc đẩy dòng vốn FDI chảy vào các nước khác, trong đó có Việt Nam, khi các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang nhiều quốc gia.