"Điểm danh" các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga
Dù có đủ khả năng, nhưng Nga vẫn không thể trả nợ ngoại tệ do “tầng tầng lớp lớp” lệnh trừng phạt của phương Tây.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các quốc gia phương Tây đã liên tục ban hành một loạt biện pháp trừng phạt đối với nước này. Đối tượng được nhắm đến là các cá nhân giàu có, ngân hàng, các công ty và doanh nghiệp quốc doanh của Nga.
Các biện pháp tài chính
Nga hiện đang vướng vào một khoản nợ lớn và không thể chi trả đúng hạn, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1918. Moscow có đủ khả năng thanh toán khoản nợ 100 triệu USD, nhưng các lệnh trừng phạt đã ngăn cách họ với nguồn tiền của mình.
Mỹ đã cấm Nga thanh toán các khoản nợ bằng số tiền 600 triệu USD của nước này gửi tại các ngân hàng Mỹ, khiến Nga khó trả các khoản vay quốc tế của mình. Tài sản thuộc ngân hàng trung ương Nga cũng đã bị phong tỏa nhằm chặn việc ngân hàng này có thể sử dụng 630 tỷ USD dự trữ bằng ngoại tệ.
Các ngân hàng lớn của Nga đã bị xóa khỏi hệ thống chi trả tài chính quốc tế Swift, làm trì hoãn các khoản thanh toán đối với hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của nước này. Anh cũng đã loại trừ các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống tài chính của họ, đóng băng tài sản của tất cả các ngân hàng Nga. Đồng thời, Anh còn cấm các công ty Nga vay tiền và đặt giới hạn số tiền mà người dân nước này có thể gửi tại các ngân hàng của mình.
Dầu khí "vào tầm ngắm"
Theo thống kê, Nga được cho là đã kiếm được gần 100 tỷ USD từ xuất khẩu dầu và khí đốt trong 100 ngày đầu tiên khi căng thẳng Nga – Ukraine nổ ra.
Tuy nhiên, gần đây, phương Tây đã liên tiếp công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Nga. Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu từ Nga bằng đường biển vào cuối năm 2022. Mỹ cũng ngừng nhận nguồn cung dầu và khí đốt của nước này. Không đứng ngoài cuộc, Anh sẽ loại bỏ nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm 2022. Đức đã đình chỉ dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 với Nga. EU cho biết họ sẽ ngừng nhập khẩu than của Nga vào tháng 8.
Thật ra EU muốn áp đặt càng ít biện pháp trừng phạt đối với khí đốt của Nga càng tốt, vì khoảng 40% nhu cầu khí đốt của khu vực này phụ thuộc vào Nga. Vào tháng 3, EU cho biết sẽ giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm, nhưng vẫn chưa thể thống nhất quan điểm trong việc có thêm các hành động khác.
Nhắm mục tiêu cá nhân
Mỹ, EU, Anh và các quốc gia khác đã trừng phạt hơn 1.000 cá nhân và doanh nghiệp Nga. Những người này hầu hết là các tài phiệt thân cận với Điện Kremlin, bao gồm cả chủ sở hữu cũ của đội bóng Chelsea FC, ông Roman Abramovich.
Các nước phương Tây thường nhắm mục tiêu vào những siêu du thuyền liên quan đến người Nga. Các quan chức chính phủ Nga và các thành viên trong gia đình cũng đã bị trừng phạt. Tài sản của Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov vẫn đang bị phong tỏa ở Mỹ, EU, Anh và Canada. Vương quốc Anh cũng đã ngừng cấp "thị thực vàng", đây là chương trình cho phép những người Nga giàu có có được quyền cư trú của Anh.
Các biện pháp khác
Mỹ, Anh và EU ra lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng - các mặt hàng có mục đích dân sự và quân sự, chẳng hạn như phụ tùng xe. Một số nước trong nhóm G-7 cấm tất cả các chuyến bay thuộc Nga trên không phận của mình. Ngoài ra, họ còn đưa ra lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga, cũng như không xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ sang nước này.
Anh đã áp thuế 35% đối với một số mặt hàng nhập khẩu, bao gồm cả rượu vodka. Bên cạnh đó, nhiều công ty quốc tế đã tạm ngừng giao dịch tại Nga hoặc rút lui hoàn toàn, bao gồm McDonalds, Coca-Cola, Starbucks và Marks & Spencer.
Nga sẽ ra sao?
Nền kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm 10% vào năm 2022 và có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc suy thoái sâu. Tuy nhiên, những kệ hàng tại các siêu thị ở Moscow vẫn còn khá đầy, dù "vắng mặt" một số mặt hàng nhập khẩu.
Các lệnh trừng phạt quốc tế đáng ra đã có thể khiến nền kinh tế Nga sụp đổ từ sớm nếu xảy đến bất ngờ, Chris Weafer từ tổ chức tư vấn Macro Advisory tại Moscow cho biết. Tuy nhiên, Nga đã trải qua các lệnh trừng phạt từ năm 2014 nên nước này vẫn có khả năng kịp thời đưa ra một số điều chỉnh.
Nga đã cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm, bao gồm các mặt hàng viễn thông, y tế, xe cộ, nông nghiệp, thiết bị điện và gỗ. Nước này đã không trả lãi cho các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu chính phủ và cấm các công ty Nga trả tiền cho các cổ đông không phải công dân Nga. Họ cũng không cho phép các nhà đầu tư nước ngoài bán đi những khoản mà họ từng đầu tư vào Nga trị giá hàng tỷ USD.
Tham khảo BBC