Dịch vụ "Mua trước, trả tiền sau" của Apple khiến nhà chức trách Mỹ lo ngại
Apple Pay Later được cho là đã dấy lên "hàng loạt vấn đề" và một trong những "điểm nóng" nhất là những lo ngại về chống độc quyền.
Việc Apple giới thiệu tính năng "Mua trước, trả tiền sau" (Buy now, Pay Later; viết tắt là BNPL) – Apple BNPL, đang thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý tài chính tiêu dùng Hoa Kỳ, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB).
Apple cho "Mua trước, trả tiền sau" là thế nào?
Tính năng Mua trước, trả tiền sau (BNPL) của Apple vừa được gã khổng lồ công nghệ giới thiệu tại sự kiện các nhà phát triển toàn cầu WWDC cách đây chưa lâu. Đây là tính năng sẽ xuất hiện trên iOS 16, cho phép người dùng Apple Pay tại Mỹ thực hiện 4 khoản thanh toán bằng nhau trong 6 tuần mà không phát sinh khoản lãi nào. Ví dụ, nếu 1 người mua 1 món đồ có giá 1000USD qua Apple Pay thì người đó sẽ không phải trả lập tức khoản tiền này mà thay vào đó là 4 khoản thanh toán trị giá 250USD/lần trong vòng 6 tuần sau đó. Người bán có thể chọn tham gia chương trình mà không có bất cứ ảnh hưởng nào đến vấn đề thanh toán (vì đơn vị cho trả chậm là Apple chứ không phải đơn vị bán hàng).
Mặc dù không có phí và lãi suất, Apple được cho vẫn sẽ kiến tiền từ dịch vụ. Do đó, người tiêu dùng được cảnh báo nên sử dụng tính năng này một cách cẩn trọng.
Cách Apple đánh giá người dùng sẽ không còn qua đối tác ngân hàng nữa mà trực tiếp dựa vào lịch sử giao dịch của các Apple ID trước khi cấp cho khách hàng những khoản tiền "Mua trước, trả tiền sau".
Mối lo ngại về Apple BNPL
Những lo ngại về Apple BNPL mà CPB quan tâm được tờ Financial Times nhận định rằng liên quan đến vấn đề chống độc quyền, quyền riêng tư và quản lý nợ xấu.
Cơ quan quản lý tài chính tiêu dùng hàng đầu Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng việc các công ty công nghệ hàng đầu trực tiếp tham gia vào lĩnh vực cho vay kéo theo những rủi ro làm suy yếu cạnh tranh trong lĩnh vực còn non trẻ này, đồng thời, đặt ra câu hỏi về việc sử dụng dữ liệu khách hàng.
Trong một cảnh báo mới nhất nhắm tới dịch vụ BNPL của Apple, Giám đốc CFPB Rohit Chopra cho biết Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng sẽ phải "xem xét rất cẩn thận về tác động của việc công ty công nghệ hàng đầu như Apple tham gia vào lĩnh vực này".
"CFPB sẽ phải cân nhắc xem liệu Apple BNPL có làm giảm cạnh tranh và tính đổi mới trên thị trường cho vay hay không. Đồng thời, Apple BNPL có được tích hợp vào lịch sử duyệt web, vị trí địa lý, dữ liệu sức khỏe hay các ứng dụng khác không?" – Giám đốc CFPB chia sẻ trong một buổi phỏng vấn.
Mối lo ngại về chống độc quyền là ở khả năng Apple có thể truy cập vào dữ liệu khách hàng thông qua Apple Pay và có thể sử dụng dữ liệu đó nhằm tạo cho mình một lợi thế cạnh tranh đối với các dịch vụ "Mua trước, trả sau" khác đang có mặt trên thị trường. Việc sử dụng dữ liệu này cũng làm dấy lên lo ngại vê quyền riêng tư.
Do đó, CFPB đã yêu cầu Apple giải trình cách công ty thu thập và sử dụng dữ liệu khách hàng liên quan đến Apple Pay nói chung. Trước đó, Amazon, Facebook, Google hay Paypal cũng từng gặp những vấn đề tương tự với nhà chức trách.
Cuối cùng, CFPB lo ngại rằng các chương trình BNPL làm tăng khoản nợ với người tiêu dùng. Những dịch vụ này không được coi là một phần nợ do bản chất ngắn hạn của nguồn cấp tài chính, nhưng Giám đốc CFPB cho rằng nên thay đổi.
"Để có khả năng hiển thị thực tế về tình trạng cân đối tài chính của 1 gia đình, chúng ta không thể chỉ nhìn vào khoản nợ thẻ tín dụng hoặc khoản nợ cho vay mua nhà, mua ô tô. Bây giờ chúng ta phải xem xét cả khoản vay từ hình thức Mua trước, trả tiền sau nữa" – ông Rohit Chopra cho biết thêm.
Afterpay, Affirm, Klarna, Paypal hay Zip… là các dịch vụ Mua trước, trả tiền sau được CFPB yêu cầu cung cấp thông tin đánh giá sự cần thiết của các biện pháp kiểm soát. Đây có lẽ là lần đầu tiên Apple được cơ quan công quyền giám sát chống độc quyền ngay từ trước khi công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ.