Dịch tả bùng phát trên toàn cầu

Chia sẻ Facebook
06/11/2022 12:01:24

Số ca mắc bệnh tả - căn bệnh chết người gây nôn mửa và tiêu chảy - đã tăng vọt trên toàn thế giới trong năm 2022. Các cơ quan y tế trên toàn cầu đang đối phó với nhu cầu vắc xin gia tăng.

Một trẻ em bị bệnh tả ở châu Phi - Ảnh: AA


Căn bệnh này đang được báo cáo gia tăng từ vùng Caribbean đến châu Phi, khắp Trung Đông và Nam Á.


Bệnh tả bùng phát không chỉ ở những quốc gia nơi nó là mối đe dọa phổ biến, mà còn xuất hiện những nơi không ghi nhận bệnh này trong nhiều thập kỷ, theo trang tin IFL Science .


"Tình hình rất đáng lo ngại, rất đáng lo ngại - ông Philippe Barboza, trưởng nhóm phụ trách dịch tả của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nói với tờ New York Times - Chúng tôi đã phải lo lắng về chiến tranh, đói nghèo và vấn đề di dân. Nhưng bây giờ chúng ta có thêm vấn đề bệnh tật liên quan đến biến đổi khí hậu".

Thực tế bệnh tả đã có từ lâu và hiện vẫn ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới, làm tăng số người chết lên đến con số hàng trăm nghìn mỗi năm. Bệnh diễn tiến tồi tệ nhất ở trẻ em và nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây tử vong trong vòng một ngày.

Tuy nhiên, bệnh tả không phải là kẻ giết người không thể ngăn cản. Axit trong dạ dày của chúng ta có thể tiêu diệt một lượng nhỏ vi khuẩn tả thường bên trong ruột. Vì vậy hầu hết những người nhiễm vi khuẩn chỉ biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Ngay cả đối với những người có các triệu chứng nặng hơn, việc điều trị nhanh chóng bằng cách bù nước bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch thường rất thành công.

Mặc dù việc điều trị tương đối dễ dàng và rẻ tiền, các ca tử vong do bệnh tả đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại trong năm nay, theo WHO.

"Kể từ tháng 1-2022, có 29 quốc gia đã báo cáo các trường hợp mắc bệnh tả, bao gồm Haiti, Malawi và Syria đang phải đối mặt với các đợt bùng phát lớn", một thông cáo báo chí của WHO cho biết.

Số ca bệnh tăng nhanh khiến lần đầu tiên các cơ quan y tế phải đưa ra quyết định khó khăn trong việc phân chia vắc xin trong bối cảnh thiếu hụt vắc xin.


"Nó khiến bạn phải ngồi vào bàn tính toán: Chúng ta gửi nó đến Haiti hay Syria?" - bà Daniela Garone, điều phối viên y tế quốc tế của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), nói với tờ Times.

Nhóm điều phối quốc tế của WHO (ICG), cơ quan quản lý nguồn cung cấp vắc xin khẩn cấp, đã thông báo vào tháng 10: tạm thời đình chỉ chế độ hai liều tiêu chuẩn cho việc tiêm phòng bệnh tả; thay vào đó họ chỉ cung cấp một liều duy nhất cho những người có nhu cầu.

Bà Garone nói: "Không có đủ vắc xin. Hiện tại chúng tôi chỉ đang cố gắng ngăn chặn tỉ lệ tử vong chứ không thể ngăn chặn dịch bệnh".

Ông Barboza giải thích việc giảm một nửa liều tiêm như vậy sẽ không làm giảm lượng miễn dịch do vắc xin cung cấp, nhưng nó sẽ rút ngắn thời gian bảo vệ của vắc xin.


Thật không may, chỉ có rất ít đơn vị sản xuất vắc xin bệnh tả. Ngay cả đối với các công ty có khả năng tham gia sản xuất vắc xin, các khuyến khích về mặt tài chính cũng không hấp dẫn họ, vì vắc xin dịch tả rất rẻ, chỉ khoảng 1,50 USD/ liều, theo báo New York Times .

Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng cấp tính ở ruột non do vi khuẩn gram âm Vibrio cholerae tiết ra độc tố, gây tiêu chảy, dẫn đến mất nước và trụy tuần hoàn. Bệnh thường lây nhiễm qua nước bị ô nhiễm hoặc động vật có vỏ. Bệnh được chẩn đoán bằng nuôi cấy hoặc huyết thanh học. Điều trị là bổ sung nước và điện giải cộng với doxycycline.


Theo Gia Minh

Chia sẻ Facebook