Dịch sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh

Chia sẻ Facebook
19/09/2023 06:46:06

Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 81.808 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 23 trường hợp tử vong. Đáng lưu ý, tại Hà Nội, số ca mắc SXH tiếp tục tăng mạnh.

Điều trị tích cực cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, có đến 90% bệnh nhân đến khám là do mắc SXH. Không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tiểu cầu giảm thấp.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, số ca mắc SXH trên địa bàn tiếp tục tăng mạnh, với hơn 2.000 ca/tuần, gấp đôi so với tuần cuối tháng 8. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 ca mắc SXH, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần; số ca tử vong tương đương. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận thêm 72 ổ dịch SXH tại 15 quận, huyện. Tổng số ổ dịch tính đến thời điểm hiện tại là 730. Hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 30 quận, huyện, thị xã.

Cùng đó, bệnh nhân ghi nhận từ đầu năm đến nay phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã. CDC Hà Nội nhận định, thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch SXH với số ca mắc không ngừng gia tăng. Do đó, trong tuần tới, công tác giám sát phòng, chống SXH tiếp tục tập trung tại các ổ dịch ở các quận, huyện: Thanh Trì, Thanh Oai, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Hà Đông, Phúc Thọ.

CDC Hà Nội yêu cầu, Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh SXH để tham mưu UBND các địa phương tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn.

Nguyên nhân khiến số ca SXH tăng được cho là do Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, một số nơi có dân cư đông đúc, biến động dân số phức tạp. Đặc biệt, hiện tượng biến đổi khí hậu và El Nino trong năm 2023-2024 có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, khiến bệnh SXH và các bệnh khác do muỗi truyền tăng nhanh.

Hiện tại, dịch SXH cũng đang bùng phát tại nhiều địa phương khác trên cả nước. Theo thông tin từ CDC Gia Lai, từ đầu năm 2023 đến nay, địa phương đã ghi nhận 3.160 ca mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong (nữ, sinh năm 1981, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai).

Theo báo cáo của CDC Gia Lai, do đang mùa mưa, thuận lợi cho sự phát triển của véc-tơ truyền bệnh SXH. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Đức Cơ, Chư Prông, Krông Pa, TP Pleiku… Dịch bệnh xảy ra tại 186/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh hiện còn 174 ổ dịch SXH chưa được khống chế. Để hạn chế thấp nhất những ca bệnh trở nặng, công tác phòng, chống SXH trên địa bàn cần có sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời từ chính quyền địa phương các cấp, ngành y tế, các ban, ngành, đoàn thể… để triển khai các hoạt động phòng, chống SXH, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

Thời gian qua, trước diễn biến gia tăng ca mắc SXH trên cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội, Bộ Y tế đã điều chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hỗ trợ Hà Nội trong công tác chuyên môn. Bộ Y tế cho hay, tuýp virus SXH lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.

Cho dù, tính trên cả nước so với cùng kỳ năm 2022 số ca mắc SXH mắc giảm 59,8%, tử vong giảm 84 trường hợp, nhưng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dự báo, thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.

Các chuyên gia y tế dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội và một số địa phương tiếp tục tăng, theo quy luật từ tháng 6 đến tháng 11, khuyến cáo người dân có các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình. Với người bệnh mắc sốt xuất huyết khi tiểu cầu giảm dưới 50g/l cần phải nhập viện ngay, nếu không, sẽ có thể nguy kịch.

Chia sẻ Facebook