Dịch đậu mùa khỉ bùng phát mạnh ở Mỹ vì ngành y tế sai lầm?

Chia sẻ Facebook
12/07/2022 15:22:48

Dịch đậu mùa khỉ đang bùng phát mạnh tại Mỹ dù các xét nghiệm và vắc xin luôn có sẵn. Các nhà khoa học bày tỏ lo ngại trước phản ứng rất chậm chạp và rụt rè của ngành y tế Mỹ.

Dịch đậu mùa khỉ đang bùng phát mạnh tại Mỹ - Ảnh: AA


Tại Mỹ, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được báo cáo vào tháng 5. Đến nay, đã có ít nhất 700 ca bệnh được ghi nhận, nhưng các chuyên gia nói rằng con số thực có thể cao hơn nhiều, theo báo New York Times.

Họ cũng cho rằng trước khi đợt dịch bùng phát, nếu nền y tế công cộng tốt, Mỹ đã có thể kiểm soát được dịch bệnh này.


Tiến sĩ Anne Rimoin, một nhà dịch tễ học tại Đại học California - Los Angeles (UCLA), người đầu tiên cảnh báo về sự bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ hơn một thập kỷ trước, và các chuyên gia khác cho biết các cấp chính quyền đã thiếu sự chuẩn bị, chứ không riêng một cá nhân hay cơ quan nào.


Theo New York Times , vào năm 2010, Mỹ đã ước tính trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công khủng bố sinh học, họ sẽ có đủ vắc xin phòng bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ, với 132 triệu liều. Tuy nhiên, 2 tháng sau đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, kho dự trữ chiến lược quốc gia chỉ còn 64.000 liều vắc xin.

Ông Zain Rizvi, nhà nghiên cứu khả năng tiếp cận thuốc tại nhóm vận động Public Citizen, cho rằng "Mỹ đã thất bại trong việc coi trọng sức khỏe cộng đồng".

Ở Mỹ, thường không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm cuối cùng về việc bảo vệ sức khỏe người dân. Ví dụ, kho thuốc dự trữ chiến lược quốc gia từng do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) kiểm soát. Chính quyền Tổng thống Trump sau đó giao nó cho một cơ quan khác, nhưng CDC vẫn được ra quyết định về việc ai nên chủng ngừa và khi nào.

Các sở y tế cấp bang và quận, hạt cũng thường đặt ra các quy tắc và ưu tiên riêng của họ, đôi khi mâu thuẫn với hướng dẫn của liên bang.

Ông Gregg Gonsalves, một nhà hoạt động và nhà dịch tễ học tại Trường Y tế công cộng Yale, đánh giá: "Cỗ máy y tế này quá phức tạp. Tình hình như nhà đang cháy nhưng mọi thứ cứ diễn ra với tốc độ bình thường".


Ông Jay Varma, giám đốc Trung tâm Phòng chống và ứng phó với đại dịch thuộc Đại học Cornell (Mỹ), hối thúc giới chức Mỹ cần nhanh chóng mở rộng khả năng chẩn đoán căn bệnh này ngay bây giờ.

Trước đây, các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đậu mùa khỉ được chuyển cho CDC để xét nghiệm nên mất nhiều ngày. Chỉ gần đây, các mẫu bệnh phẩm mới được chuyển đến các phòng xét nghiệm tư nhân.

"Chúng tôi xác định rõ đây là sai lầm lớn khiến dịch COVID-19 lan đến Mỹ và lây lan mà không bị phát hiện trong một tháng, bây giờ mọi chuyện lặp lại với bệnh đậu mùa khỉ", bà Angela Rasmussen, một nhà khoa học nghiên cứu tại Tổ chức Vắc xin và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Saskatchewan (Canada), ngao ngán.


Hơn 8.100 ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu

Theo ghi nhận, số ca mắc bệnh đậu mùa ở khỉ trên toàn cầu đã vượt qua 8.100 trường hợp, chủ yếu là nam giới quan hệ tình dục đồng giới. Nhiều người trong số bệnh nhân không thể xác định được nguồn lây nhiễm của họ, điều này cho thấy có một sự lây truyền đáng kể trong cộng đồng.


Tại Mỹ, CDC đã tìm thấy ít nhất hai biến thể của virus đậu mùa khỉ và có ít nhất hai chuỗi lây truyền song song.

Nghiên cứu đầu tiên về các ca đậu mùa khỉ tại Anh cho thấy bệnh nhân có triệu chứng khác biệt đáng kể với bệnh nhân của các đợt bùng phát trước đây, làm dấy lên lo ngại về các ca bệnh có thể bị bỏ sót.

Chia sẻ Facebook