Dịch COVID-19 nóng ở Thượng Hải, châu Âu tiếp tục nới lỏng hạn chế
Thượng Hải (Trung Quốc) khẳng định sẽ không phong tỏa dù số ca nhiễm tăng nhanh. Chính phủ Thái Lan lo dịp Tết Songkran sắp tới có khả năng làm bùng dịch. Trái ngược các nước châu Á, châu Âu tiếp tục nới lỏng phòng dịch.
Tại Trung Quốc, các thành phố vẫn nỗ lực cân bằng giữa các biện pháp chống dịch và kinh tế. Ngày 26-3, các quan chức Thượng Hải khẳng định sẽ không phong tỏa dù số ca nhiễm tăng nhanh. Thay vào đó, thành phố 25 triệu dân này áp dụng các biện pháp cách ly 48 giờ, xét nghiệm quy mô lớn...
"Nếu thành phố Thượng Hải đình trệ hoàn toàn sẽ có nhiều tàu chở hàng quốc tế trôi nổi ở biển Hoa Đông. Điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kinh tế quốc gia và kinh tế toàn cầu", Hãng tin AFP dẫn lời chuyên gia Wu Fan thuộc lực lượng chống dịch của Thượng Hải nói.
Chính quyền Thượng Hải cho biết sẽ phát bộ xét nghiệm nhanh cho người dân. Trước đó, một điểm nóng COVID-19 khác ở Trung Quốc là tỉnh Cát Lâm cũng đã bắt đầu phát hơn 500.000 bộ xét nghiệm cho dân.
Ngày 27-3, Trung Quốc thông báo có thêm 1.217 ca lây nhiễm cộng đồng, trong số đó tỉnh Cát Lâm dẫn đầu với 1.071 ca và Thượng Hải có 48 ca. Ngoài ra, nước này có 4.448 ca không có triệu chứng.
Thái Lan lo lắng bùng dịch dịp Tết Songkran
Tết Songkran, diễn ra từ ngày 13 đến 15-4 tới, sẽ là phép thử quan trọng cho chương trình mở cửa của Thái Lan .
Ngày 26-3, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha yêu cầu các cơ quan chính phủ dốc hết sức ngăn dịch trong lễ Songkran năm nay, đẩy mạnh tiêm ngừa, do cơ quan y tế dự báo kịch bản xấu nhất có thể có đến hơn 100.000 ca/ngày.
Báo Bangkok Post dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Thái Lan kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp chống dịch khi thăm những người thân lớn tuổi, gặp mặt gia đình. Các buổi gặp mặt gia đình nên diễn ra ở nơi thông thoáng và mọi người nên xét nghiệm nhanh trước đó.
Các hoạt động mừng lễ Songkran sẽ được phép diễn ra hết sức hạn chế và những người tham gia nên xét nghiệm trước 72 giờ, đặc biệt người già và người có bệnh nền nên tiêm liều bổ sung ít nhất 7 ngày trước lễ. Những người trở về từ tỉnh khác sau lễ nên theo dõi trong 10 ngày.
Theo Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh (DDC) của Thái Lan, kịch bản 100.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày có thể xảy ra vào giữa tháng 4-2022. Ngày 27-3, nước này ghi nhận 25.821 ca mới và 84 ca tử vong trong 24 giờ. Trước đó, Thái Lan đã đề ra kế hoạch nhằm tuyên bố không còn đại dịch từ tháng 7-2022.
Hiện tại, người dân Thái Lan vẫn được khuyến cáo hạn chế hoạt động tụ tập đông người, làm việc tại nhà, tránh đi du lịch không cần thiết và đi tiêm ngừa. Nếu người dân tuân thủ các biện pháp này, DDC cho biết có thể đạt được kịch bản tích cực nhất là giữ mức lây nhiễm ở khoảng 20.000 ca/ngày.
Châu Âu tiếp tục nới lỏng quy định
Tại châu Âu, nhiều nước tiếp tục nới lỏng các quy định chống dịch để đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường bất chấp số ca nhiễm tăng cao.
Giới chức y tế Tây Ban Nha cho biết từ tuần tới sẽ bãi bỏ các biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Theo quy định hiện tại, người mắc COVID-19 phải cách ly trong 7 ngày. Ngoài ra, kể từ ngày 28-3, việc miễn phí xét nghiệm COVID-19 sẽ chỉ được áp dụng đối với các nhóm có nguy cơ cao tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe, các viện dưỡng lão, cũng như đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý nền nặng.
Tỉ lệ mắc COVID-19 trong 14 ngày qua tại Tây Ban Nha vào khoảng 400 ca mới trên 100.000 người. Tính đến ngày 26-3, nước này ghi nhận tổng cộng 11.451.676 ca mắc COVID-19, trong đó có 102.392 ca tử vong.
Tại Bulgaria, chính phủ cũng thông báo sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp phòng dịch sau ngày 31-3, theo Tân Hoa xã.
Bulgaria đã áp dụng tình trạng khẩn cấp phòng dịch trong gần 2 năm. Chính phủ nước này nhấn mạnh tình hình dịch bệnh vẫn đang được theo dõi sát và chiều hướng có thể dự đoán được, do vậy việc gia hạn các biện pháp hạn chế đối với người dân và các doanh nghiệp không cần thiết.
Theo đó, kể từ ngày 1-4 tới sẽ dỡ bỏ các biện pháp áp dụng tạm thời để phòng dịch như đeo khẩu trang hoặc giãn cách xã hội.
Tính đến ngày 26-3, Bulgaria ghi nhận tổng cộng 1.133.102 ca mắc COVID-19, trong đó có 36.429 ca tử vong.
Từ tuần trước, các nước Pháp, Đức, Ý... cũng tiếp tục bỏ hầu hết các biện pháp chống dịch.
Ông Ralf Reintjes, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Khoa học ứng dụng Hamburg, dự đoán biến thể phụ của Omicron (BA.2) sẽ tiếp tục "chu du" vòng quanh thế giới sau khi "viếng thăm" châu Âu.