Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các nước châu Á hối hả đối phó
Chỉ vài tháng sau khi triển khai mũi vaccine thứ ba, làn sóng dịch đã trở lại châu Á. Hàng loạt quốc gia đã tái áp đặt các biện pháp phòng dịch và tiêm mũi tăng cường.
Singapore dự báo dịch có thể đạt đỉnh mới vào cuối tuần này, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 vượt mốc 40.000 ca, cao nhất trong 2 tháng qua. Số ca mắc mới tại Nhật Bản cũng vượt mốc 90.000 ca lần đầu tiên trong 5 tháng qua, làn sóng dịch COVID-19 thứ 7 chính thức lan rộng. Hàng loạt quốc gia nhanh chóng tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, khẩn trương tiêm mũi vaccine thứ tư .
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở châu Á
Lần đầu tiên kể từ tháng 2, Nhật Bản chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 trong ngày vượt mốc 90.000 ca. Nước này đã thông báo bước vào đợt dịch thứ 7. Dù mới chỉ tháng trước, Nhật Bản đã loại trừ khả năng phải hạn chế di chuyển và lên kế hoạch cho một chương trình hỗ trợ du lịch toàn quốc vào nửa đầu tháng 7, giờ đây Nhật Bản đang phải gồng mình đối phó với một làn sóng dịch mới với nhiều ca tử vong trong ngày.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày cũng đã vượt mốc 40.000 ca, cao nhất trong vòng 2 tháng. Quốc gia Đông Bắc Á này cũng đã xác nhận đang trong đợt bùng phát dịch mới và dịch có chiều hướng gia tăng mạnh, có khả năng sẽ phải áp đặt trở lại các quy định về giãn cách xã hội.
Singapore cũng đang trong làn sóng dịch mới. Giới chức nước này nhận định làn sóng dịch có thể đạt đỉnh vào cuối tuần này hoặc thậm chí trong một hai ngày tới.
Trong khi đó tại Australia, giới chức y tế hôm qua đưa ra cảnh báo hệ thống y tế có nguy cơ quá tải do số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh với hàng nghìn bệnh nhân được điều trị tại mỗi bệnh viện. Nước này hôm qua ghi nhận hơn 40 nghìn ca mắc mới và có tới 50 ca tử vong.
Ông Chris Moy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia: "Chúng tôi thực sự lo ngại về nguy cơ bị quá tải y tế và các bệnh nhân mắc COVID-19. Australia lại đang trong mùa cúm đầu tiên sau 3 năm, bệnh nhân mắc các bệnh khác có thể sẽ không nhận được sự chăm sóc kịp thời".
Đất nước tỷ dân Ấn Độ cũng ghi nhận hàng chục ca mắc mới với hơn 20 ca tử vong do COVID-19 trong hôm qua. Các nước như Malaysia, Thái Lan hay Trung Quốc cũng đã phải tăng năng lực xét nghiệm hoặc gia hạn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 lây lan rộng.
Việc tiêm vaccine mũi thứ tư là cần thiết
Mũi tiêm thứ ba hiện đã giảm tác dụng đi đáng kể. Theo nghiên cứu của các chuyên gia của Đại học Texas của Mỹ, chỉ sau 4 tháng tiêm liều thứ ba, hiệu quả trung bình của kháng thể giảm xuống chỉ còn 50-60% so với thời điểm tháng đầu tiên. Và lúc này, việc tiêm mũi thứ tư là điều cần thiết.
Tiến sĩ Zain Chagla - Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Canada: "Chúng ta có thể chia đôi khả năng bảo vệ của vaccine mũi thứ ba ra 2 loại: Khả năng chống lại các triệu chứng lây nhiễm và khả năng bảo vệ người mắc COVID-19 khỏi biến chứng nghiêm trọng. Khả năng bảo vệ khỏi các triệu chứng lây nhiễm thì phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian sau tiêm. Người dân nhiều nước đang ở thời điểm khoảng 5 tháng sau tiêm, sự bảo vệ này đã giảm đi rất nhiều.
Trong khi đó thì khả năng bảo vệ khỏi biến chứng nặng sẽ được bảo toàn lên tới 150 ngày sau mũi 3 hoặc lâu hơn nữa. Tác dụng của mũi 3 trong việc bảo vệ mọi người khỏi bệnh nặng hiện tại vẫn cao. Do đó những người chưa tiêm mũi 3 được khuyến cáo nên đi tiêm ngay khi có chỉ định. Còn đối những người đã tiêm mũi 3 thì cần đi tiêm mũi 4 sau khi đủ thời gian và theo chỉ định để giảm thiểu rủi ro từ COVID-19.
Các nước châu Á hối hả đối phó làn sóng dịch mới
Việc vaccine giảm tác dụng chỉ là một phần nguyên nhân, sự gia tăng đột biến số ca mắc mới kể từ tháng 6 còn do sự xuất hiện của các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Sự lây lan rộng của các biến thể này lại càng tạo điều kiện để các biến thể phụ mới liên tục xuất hiện. Minh chứng là chỉ vài tuần sau khi biến thể phụ BA.4 và BA.5 được ghi nhận ở một số nước, thì đến hôm qua, tại Ấn Độ, một dòng phụ mới của biến thể phụ BA.2 của Omicron đã được phát hiện. Dòng phụ mới này có tên BA.2.75 được cảnh báo là dòng siêu lây nhiễm.
Tại Singapore , để đối phó với làn sóng dịch bệnh lần này, ngoài việc 80% dân số Singapore đã tiêm mũi 3, các bệnh viện và cơ sở cộng đồng đã được chuẩn bị để đối phó với bất kỳ sự đột biến nào. Singapore thiết lập 50 điểm tiêm chủng trên khắp cả nước với 25 đội tiêm cơ động luân chuyển giữa các địa điểm.
Đặc biệt, trang thiết bị đã được tăng cường cho hệ thống y tế cơ sở để giảm bớt áp lực cho các bệnh viện. Bên cạnh đó, người dân quốc đảo cũng được cung cấp đầy đủ dụng cụ để tự xét nghiệm nhanh COVID-19 và tự cách ly tại nhà nếu có kết quả dương tính.
Từ ngày 17/7, Indonesia khôi phục quy định xét nghiệm COVID-19 cho những khách du lịch chỉ tiêm hai mũi vaccine. Jakarta và các thành phố vệ tinh xung quanh đã bắt đầu hạn chế các hoạt động nơi công cộng, duy trì hoạt động của các công ty, trung tâm mua sắm và nhà hàng ở mức 75% công suất cho đến ngày 1/8.
Chính phủ Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tháng, kéo dài từ ngày 1/8 đến 30/9 tới. Quyết định này xuất phát từ sự cần thiết phải tiếp tục kiểm soát tình trạng lây lan của dịch COVID-19.
Lo sợ những ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ châu Á, giới chức y tế Australia kêu gọi người dân nước này tăng cường đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà và các cửa hàng, khu mua sắm, trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 thứ ba ngày càng lan rộng và có khả năng đạt đỉnh trong vòng 4-6 tuần tới. Người dân cũng được yêu cầu tiêm đầy đủ các mũi vaccine ngừa COVID-19. Các công ty được khuyến khích sắp xếp để nhân viên có thể làm việc tại nhà nhiều nhất có thể.
Trung Quốc - nhiều giải pháp để ngăn làn sóng dịch mới
Không thể không kể đến một quốc gia có kinh nghiệm chống dịch COVID-19 quyết liệt nhất thế giới, đó chính là Trung Quốc. Trong khi các nước đã nới lỏng giãn cách thì tại Trung Quốc, các địa phương trong suốt thời gian vừa qua vẫn luôn có các biện pháp chặt chẽ đối phó với dịch bệnh. Đây lý do mà Trung Quốc không rơi vào tình huống bị động khi mà dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tại Đặc khu hành chính Macau, với biến thể Omicron, chính quyền ra lệnh đóng cửa toàn bộ sòng bạc trong 1 tuần, người dân chỉ được ra khỏi nhà khi cần thiết. Cảnh sát theo dõi chặt chẽ việc đi lại của người dân, ai vi phạm phạt nặng. Đây là thiệt hại rất lớn cho Macau, với nguồn thu lớn từ sòng bài. Gần 1 tháng nay, Macau có hơn 19 nghìn ca COVID-19. Hiện cả hai Đặc khu Hành chính Hong Kong, Macau (Trung Quốc) chống dịch quyết liệt gần giống Zero Covid của Trung Quốc đại lục.
Còn TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang siết chặt quản lý người dân bằng quy định khi vào nơi công cộng phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính 72 tiếng, du khách từ nơi khách đến phải có kết quả âm tính 24 tiếng. Phần lớn các địa phương quản lý chặt dịch bệnh bằng quy định người từ nơi khác đến phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính 24-48 tiếng và phải có mã hành trình, mã quét sức khỏe QR màu xanh khỏe mạnh, không đi qua vùng dịch. Sau Bắc Kinh, Tây An thì Thượng Hải cũng vừa phát hiện biến thể Omicron.
Thành phố Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải vừa phát hiện 1 ca COVID-19, lập tức học sinh nghỉ học, công tác chống dịch siết chặt. Người kinh doanh, dịch vụ ở Trung Quốc luôn trong tâm thế bất an mỗi khi có vài ca bệnh.