Địa phương thuộc top 3 tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước phấn đấu trở thành trung tâm lớn về công nghiệp năng lượng
Trước đó, năm 2021, tỉnh này cũng ghi nhận mức tăng trưởng GRDP thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố có mức tăng cao nhất cả nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, GDP quý 1/2022 của cả nước ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý 1/2021 và 3,66% của quý 1/2020, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý 1/2019.
Về tăng trưởng GRDP của các địa phương trên cả nước trong quý 1/2022, có 6 tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng trên 10% và 2 địa phương ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Xét theo phân vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là khu vực ghi nhận mức tăng trưởng GRDP cao nhất với 7,55%. Tiếp theo lần lượt là khu vực miền Trung với 5,03%, Đồng bằng sông Cửu Long với 4,14% và khu vực phía Nam với 2,72%.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,03%, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Hoạt động sản xuất Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 1/2022.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Xét theo địa phương, Bắc Giang ghi nhận mức tăng trưởng GRDP cao nhất với 14,33%, Hải Dương đứng thứ hai. Đặc biệt, Thanh Hoá đứng thứ ba với mức tăng trưởng GRDP đạt 12,93%.
Tại buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa hồi cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, địa phương này cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quy hoạch đô thị tỉnh Thanh Hóa phải theo hướng phân bổ hợp lý giữa các vùng, kết nối thuận lợi với các đô thị vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo định hướng phát triển kinh tế đô thị, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, thân thiện với môi trường.
đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo
Đồng thời, Thanh Hóa cần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị, xác định rõ sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để tập trung phát triển; chú trọng xây dựng thương hiệu hàng nông sản, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngày 15/2, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp số 11, Khu kinh tế Nghi Sơn thuộc địa giới hành chính xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn. Đây sẽ là khu công nghiệp đa ngành, ưu tiên loại hình công nghiệp cơ khí, lắp ráp động cơ và kho trung chuyển; bổ sung loại hình công nghiệp hỗ trợ phục vụ lọc hoá dầu, chế tạo, vật liệu xây dựng. Dự kiến, quy mô lao động tối đa khoảng 16.500 người, dân số vào khoảng 5.000 người.
Năm 2022, Thanh Hoá đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11,5% trở lên, GRDP bình quân đầu người đạt 2.800 USD trở lên; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 145.000 tỷ đồng trở lên; thu ngân sách nhà nước đạt 28.143 tỷ đồng trở lên.