Địa phương nào có thu nhập bình quân lao động cao nhất cả nước?
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý I/2023 là 7 triệu đồng. Đông Nam Bộ thu nhập bình quân của lao động cao nhất cả nước.
Đông Nam Bộ có thu nhập bình quân của lao động cao nhất cả nước
Tại họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê hồi đầu tháng này, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, mức thu nhập quý 1 tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
Theo báo cáo này, thu nhập bình quân của lao động trên cả nước tăng, tuy nhiên có sự sụt giảm tại một số địa phương tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như Tp.HCM, Bắc Ninh...
Hồi quý 4/2022, có sự sụt giảm tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ. Đến quý 1 thì năm nay đời sống người lao động tại vùng này được cải thiện khá chậm. Cụ thể, quý 1/2023, thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ là 8,9 triệu đồng, tăng 1,9% so với quý trước. Theo đó, Đông Nam Bộ vẫn là vùng có thu nhập bình quân của người lao động cao nhất cả nước.
Trong quý 1/2023, thu nhập bình quân của lao động làm việc tại Tp.HCM là 9,1 triệu đồng. Lao động làm việc tại Bình Phước có thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng. Trong quý 1/2021, quý 1/2022 và quý 1/2023, Đông Nam Bộ luôn là vùng kinh tế có thu nhập bình quân tháng của người lao động cao nhất Việt Nam, lần lượt là 8,4 triệu đồng, 8,3 triệu đồng và 8,9 triệu đồng. Đồng bằng sông Hồng xếp sau đó, thu nhập bình quân tháng trong quý 1/2023 của khu vực này là 8,3 triệu đồng.
Bên cạnh đó trong quý 1/2023, người lao động tại Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long có thể kiếm được lần lượt là 5,1 triệu đồng, 6,2 triệu đồng, 5 triệu đồng và 6,4 triệu đồng.
Đặc biệt vùng đồng bằng sông Hồng với mức thu nhập bình quân trong quý 1.2023 là 8,3 triệu đồng, tăng 3,1% so với quý trước. Trong đó, lao động làm việc tại Hà Nội có mức thu nhập bình quân là 9,7 triệu đồng, tăng 5,7%, tương ứng tăng 521.000 đồng so với quý trước.
Trái ngược với xu hướng tăng tại Hà Nội, Bắc Ninh – một trong những trung tâm công nghiệp của vùng, có thu nhập bình quân giảm 2,3%, tương ứng giảm 197.000 đồng, đạt mức 8,4 triệu đồng; Quảng Ninh có mức thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, giảm 3,2%, tương ứng giảm 237.000 đồng.
Khu vực Đông Nam Bộ có địa hình rộng, thoáng; phần lớn diện tích là đồng bằng, nửa bình nguyên, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông vận tải...; phía Bắc tiếp giáp với các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, là những vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; phía Tây và Tây-Nam giáp đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng lớn nhất về nông nghiệp của cả nước; phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt, cũng như thuận tiện kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar theo tuyến đường bộ xuyên Á.
Vùng này có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước.
Đặc biệt Tp.HCM - trung tâm lớn nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng.
Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỷ trọng khu vực dịch vụ vượt mục tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao nhất cả nước. Đã hình thành trung tâm công nghiệp hàng đầu với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước.
Kinh tế tư nhân phát triển năng động, có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Đã phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, như: Công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, tự động hoá, vật liệu mới.
Trước đó, tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ: Tiềm năng và Thách thức”, do Đại học Kinh tế Tp.HCM (UEH) tổ chức,các chuyên gia kinh tế cho rằng khu vực này dù chỉ chiếm 9% diện tích và 20% dân số cả nước nhưng đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách năm 2021. Tuy nhiên, những đóng góp và tăng trưởng GRDP của vùng đang "có dấu hiệu chững lại".
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Bộ từng đạt trung bình trên 10% rồi giảm rõ rệt trong thập niên gần đây, duy trì trung bình 7-8% mỗi năm. Đặc biệt, tăng trưởng GRDP giảm sâu trong năm 2020-2021 do Covid-19. Sức hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng suy giảm khi quy mô trung bình mỗi dự án của vùng chỉ khoảng 10 triệu USD, thấp hơn mức bình quân cả nước là 12,42 triệu USD. Theo đó, ngày 07/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24 đặt mục tiêu đây là vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với mức 8-8,5% mỗi năm giai đoạn đến 2030. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người cuối thập niên này sẽ đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD mỗi năm.
Mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Thu nhập bình quân của người lao động trong các ngành nghề
Trong ba khu vực kinh tế, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất. So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong dịch vụ là 8,3 triệu đồng/người, tăng 10,1%, tương ứng tăng 766 nghìn đồng.
Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 4,1 triệu đồng/người, tăng 9,2%, tương ứng tăng khoảng 345 nghìn đồng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,9 triệu đồng/người, là khu vực có tốc độ tăng thấp nhấp trong ba khu vực kinh tế, tăng 9%, tương ứng tăng khoảng 655 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành kinh tế, một số ngành kinh tế ghi nhận tốc độ tăng so với quý trước như: lao động làm việc trong ngành khai khoáng có thu nhập bình quân là 10,3 triệu đồng/người, tăng 6,7%, tương ứng tăng 640 nghìn đồng so với quý trước; thu nhập bình quân tháng của lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là 8,2 triệu đồng/người, tăng 3,8%, tương ứng tăng 300 nghìn đồng so với quý trước; ngành vận tải, kho bãi lao động có thu nhập bình quân tháng là 9,6 triệu đồng/người, tăng 2,7%, tương ứng tăng 255 nghìn đồng so với quý.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Phạm Hoài Nam cho biết, so với quý trước, quý I năm nay chứng kiến sự sụt giảm về thu nhập bình quân tháng của người lao động trong một số ngành kinh tế như: thu nhập bình quân của lao động ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 10,5 triệu đồng/người, giảm 2,6%, tương ứng giảm 275 nghìn đồng; thu nhập bình quân của lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 9,8 triệu đồng/người, giảm 1,3%, tương ứng giảm 125 nghìn đồng; ngành xây dựng lao động có thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng/người, giảm khoảng 1%, tương ứng giảm 41 nghìn đồng...
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,0 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
Dù tăng song theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2023 chỉ tăng 2,9% so với quý IV/2022. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so mức tăng 20,1% của quý I/2022 (so với quý IV/2021).
Trúc Chi (theo Tổ Quốc, VTV, ĐBND, Kinh tế Việt Nam, VOV)