Địa phương nào có mức thưởng tết cao nhất?

Chia sẻ Facebook
24/12/2022 10:01:31

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là kết thúc năm 2022, các địa phương bắt đầu công bố báo cáo thưởng tết 2023. Nhiều nơi, doanh nghiệp vẫn cố gắng tăng thưởng tết cho người lao động, song vẫn có địa phương thưởng tết sụt giảm.

Địa phương nào có mức thưởng tết cao nhất?

Nơi tăng cao, nơi giảm sâu

Theo ông Trần Văn Hà, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Giang, đến nay đã có gần 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gửi báo cáo thưởng tết. Đáng mừng là so với năm 2022, mức thưởng tết tại Bắc Giang đều tăng cả tết Dương lịch và tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tính đến ngày 24.12, nhiều địa phương đã công bố báo cáo thưởng tết cho người lao động. T.Hằng

Cụ thể, 292 doanh nghiệp, sử dụng hơn 208.000 lao động đã có kế hoạch thưởng tết Nguyên đán, với mức bình quân chung là 5,6 triệu đồng/người, tăng 8,8% so với năm ngoái. Mức thưởng cao nhất là hơn 120 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng thấp nhất 100.000 đồng/người.

Đối với tết Dương lịch, 168 doanh nghiệp, sử dụng hơn 161.000 lao động báo cáo đã có kế hoạch thưởng. Mức bình quân chung là 255.000 đồng/người, tăng 4,8% so với năm 2021. Mức thưởng cao nhất là 50 triệu đồng/người thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mức thưởng thấp nhất 50.000 đồng/người.

Bắc Ninh là một trong những địa phương ở phía bắc thu hút nhiều lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu công nghiệp. Năm 2023, mức thưởng tết tại địa phương này cũng tăng hơn so với năm 2022. Ông Trần Ngọc Đạo, Trưởng phòng Chính sách lao động (Sở LĐ-TB-XH Bắc Ninh), cho hay ngay từ tháng 11, Sở LĐ-TB-XH đã đôn đốc doanh nghiệp thực hiện các chế độ trả tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, tránh xảy ra tranh chấp lao động. Đến ngày 23.12, sở đã tổng hợp xong báo cáo thưởng tết gửi Bộ LĐ-TB-XH.

Trong số 474 doanh nghiệp gửi báo cáo thưởng tết, có 362 doanh nghiệp báo cáo có thưởng dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chiếm hơn 76% doanh nghiệp báo cáo. Mức thưởng bình quân trên địa bàn là 5,9 triệu đồng/người, tăng 570.000 đồng so với năm 2022. Mức thưởng cao nhất năm nay cũng tăng cao, nếu như năm 2022 mức cao nhất là 170 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI, thì năm nay mức thương cao nhất là 379,8 triệu đồng cũng thuộc doanh nghiệp FDI, tiếp đến là 315 triệu đồng của khối doanh nghiệp dân doanh.

Với dịp tết Dương lịch năm 2023, chỉ 253 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng (chiếm 53% tổng số doanh nghiệp báo cáo), mức thưởng bình quân 1,06 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất 257 triệu đồng/người, nằm trong khối doanh nghiệp FDI, thấp nhất 100.000 đồng/người.

Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã công bố báo cáo thưởng tết. Theo bà Ngô Thục Phương, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Vĩnh Phúc, có 199 doanh nghiệp sử dụng 73.015 lao động gửi báo cáo tình hình tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng tết năm 2023. Mức thưởng bình quân tết Nguyên đán là 4,16 triệu đồng/người. Trong đó, mức thưởng cao nhất là 260 triệu đồng/người thuộc về một doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp.

Với tết Dương lịch, mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp là 977.420 đồng/người. Mức thưởng cao nhất là 365 triệu đồng, cao hơn mức thưởng tết Nguyên đán.

So với năm 2022 (mức thưởng tết Nhâm Dần bình quân của các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc là trên 6,2 triệu đồng) thì năm 2023, mức thưởng tết tại Vĩnh Phúc sụt giảm gần 2 triệu đồng và thấp hơn cả năm 2020.

Còn tại Hà Nội, mặc dù chưa đưa ra số liệu cuối cùng, song Sở LĐ-TB-XH dự báo giảm hơn so với năm 2022. Trong đó, mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ... Nguyên nhân, do nhiều doanh nghiệp thiếu, hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công.


25.12 là hạn cuối cùng gửi báo cáo thưởng tết

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết theo văn bản bộ yêu cầu các địa phương phải gửi báo cáo tình hình tiền lương và thưởng tết của doanh nghiệp đối với người lao động trước ngày 25.12.

“Đến chiều 23.12 mới chỉ có hơn 10 địa phương gửi báo cáo, chúng tôi đang tiếp tục đôn đốc các tỉnh, thành nhanh chóng gửi báo cáo đúng hạn. Sau đó, Bộ LĐ-TB-XH tổng hợp lại thì mới rõ “bức tranh” thưởng tết năm 2023 như thế nào”, ông Hưng nói.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cuối năm nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, thưởng tết năm nay rất khó tăng cao. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhận định: “Các doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng co kéo để có thưởng tết cho người lao động ít nhất là 1 tháng lương cơ bản”.

Để ổn định tình hình lao động, Bộ LĐ-TB-XH cũng giao lãnh đạo các sở LĐ-TB-XH chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, liên đoàn lao động cấp tỉnh, thành và đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động.

Từ tình hình thực tế, các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động.

Một lao động xuất sắc tại Bình Dương được thưởng gần 900 triệu đồng

Tính đến ngày 24.12, mức thưởng tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 ghi nhận cao nhất thuộc về một doanh nghiệp dân doanh tại Đà Nẵng với mức thưởng hơn 1 tỉ đồng.

Ngoài ra, một lao động xuất sắc tại Bình Dương được thưởng số tiền gần 900 triệu đồng. Cũng tại Bình Dương, có 7 doanh nghiệp không có thưởng tết, 3 doanh nghiệp chưa có kế hoạch.

Thu Hằng


Thanh niên

Chia sẻ Facebook