Địa phương nào chậm tiếp nhận vắc xin, để xảy ra dịch phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ
Bộ Y tế cho biết một số địa phương vẫn chưa tiếp nhận hết số vắc xin được phân bổ hoặc có văn bản đề nghị không nhận vắc xin/điều chuyển vắc xin đã được phân bổ.
Ngày 10-6, Bộ Y tế có công điện số 771 “hối thúc” về việc tăng cường tiếp nhận và triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Cụ thể, bộ yêu cầu các địa phương khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm chủng đối với số lượng vắc xin được phân bổ đợt 146 và 147 theo quyết định số 443 của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả, không để hủy bỏ vắc xin, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát đối tượng, tăng cường truyền thông, giao chỉ tiêu tiêm chủng cho từng quận, huyện, thị xã,... và thực hiện các biện pháp khác để đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, mũi 4.
Bộ Y tế nhấn mạnh địa phương nào không tiếp nhận đủ vắc xin sử dụng để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, nếu để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Trước đó, ngày 26-5, Bộ Y tế có công điện số 708 gửi các địa phương về việc khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phân bổ đợt 146, 147 (vắc xin có hạn sử dụng 30-6-2022).
Nhiều địa phương đề nghị điều chuyển vắc xin
Địa phương chưa tiếp nhận vắc xin phân bổ: Thanh Hóa.
Các địa phương chưa tiếp nhận hết số vắc xin được phân bổ: Điện Biên, Hà Nam, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Các địa phương đề nghị điều chuyển vắc xin với số lượng lớn gồm: Thanh Hóa, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Cà Mau.