Địa phương duy nhất sở hữu tuyến cao tốc kết nối 3 sân bay quốc tế và những thế mạnh hạ tầng
Vào tháng 9/2022, tuyến cao tốc duy nhất cả nước kết nối 3 sân bay quốc tế đã chính thức thông xe.
Cụ thể, vào tháng 9/2022, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km, vận tốc thiết kế 120 km/h, có tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng đã chính thức thông xe. Đây là tuyến cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài 176 km, chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước (176 km/1.046 km).
Theo đó, tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay chính thức được thông xe, kết nối Lào Cai – Yên Bái - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, dài tổng cộng 571,5 km.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, đây là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ với 3 sân bay quốc tế (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn) . Đồng thời, tuyến đường này và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn đã kết nối 3 của khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc (Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái).
tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cùng với hệ thống cảng biển, logistics; các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái tạo ra những lợi thế so sánh khác biệt cho Quảng Ninh
Đây cũng là tuyến đường sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối nhất (35 cây cầu) để giảm thiểu tác động đến hệ thống rừng ngập mặn, môi trường xung quanh tuyến.
Tuyến đường này góp phần tạo ra các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới, động lực mới để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
tuyến đường cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác "hai hành lang một vành đai kinh tế" Việt - Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng.
Từ đó, tuyến đường sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng nhấn mạnh thêm.
Ngoài ra, Thủ tướng cho biết: "Cùng với sân bay, cảng biển, tuyến đường cao tốc đã phá thế "độc đạo" của Quảng Ninh khi trước đây chỉ có Quốc lộ 18. Theo đó, Quảng Ninh khi có đường cao tốc, có sân bay, có bến cảng thì sẽ tự mình phát triển và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Quảng Ninh khoảng 2.000 USD, nhưng năm 2022 sẽ đạt khoảng 8.000 USD, tức tăng gấp 4 lần sau 10 năm".
Trên thực tế, GRDP bình quân của Quảng Ninh có sự thay đổi rõ rệt trong những năm qua. Năm 2012, GRDP bình quân của tỉnh đạt khoảng 2.000 USD. Đến năm 2021, GDRP bình quân của tỉnh tăng lên đạt 7.614 USD. Như vậy, GDRP bình quân của tình đã tăng lên gấp 3,8 lần sau 10 năm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khánh thành và đi vào hoạt động là niềm tự hào của Quảng Ninh trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng, khi là địa phương duy nhất cả nước sở hữu tuyến cao tốc dài nhất, hiện đại nhất.
Quảng Ninh nằm trong "tam giác vàng" (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), là cực tăng trưởng kinh tế năng động của cả nước. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái kết nối với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và hệ thống cảng biển tại Quảng Ninh sẽ hỗ trợ sức bật về logistics cho tỉnh trong thời gian tới.
Tại Tọa đàm chính sách trong lĩnh vực Logistics, đánh giá về tiềm năng phát triển logistics tại Quảng Ninh, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: "Quảng Ninh có vị trí rất đặc biệt, vừa có biển đảo, đồng bằng, đồi núi, biên giới, hội tụ nhiều lợi thế tự nhiên có thể khai thác về du lịch, tài nguyên khoáng sản than... Lợi thế phát triển logistics của Quảng Ninh gắn với thương mại biên giới, cảng biển và đặc biệt còn có Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn rất tiềm năng".