Địa phương được Vingroup rót 6.300 tỷ đồng xây nhà máy pin có gì đặc biệt?
Mới đây, thông tin Tập đoàn Vingroup xây nhà máy pin thứ 2 ở Hà Tĩnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải xác nhận. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 6.300 tỷ đồng.
Theo đó, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đang lấy ý kiến về việc thẩm định dự án đầu tư sản xuất & thương mại công nghệ Pin Lithium do liên danh CTCP Giải pháp năng lượng VinES – Gotion – INC thực hiện.
Cụ thể, dự án dự kiến được xây dựng trên khu đất rộng 14ha tại lô CN4-5 khu công nghiệp trung tâm, Khu kinh tế Vũng Áng, tổng mức đầu tư hơn 6.329 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công trong khoảng từ quý 4/2022 – quý 4/2023, bắt đầu vận hành và tăng công suất từ quý 1/2024 - quý 3/2024, sau đó sẽ sản xuất đại trà.
Trước đó, ngày 12/12/2021, Tập đoàn Vingroup khởi công Nhà máy Sản xuất Pin VinES thứ nhất tại Khu kinh tế Vũng Áng với quy mô giai đoạn 1 là 8ha, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất Pin VinES sẽ cung cấp loại pin Lithium dành cho các dòng xe ô tô điện và bus điện của VinFast.
Toàn bộ hạ tầng của nhà máy gồm các phân xưởng đúc linh kiện, hàn tổ hợp và đóng gói (pack pin) sẽ được xây dựng nhằm đảm bảo đạt công suất 100.000 pack pin/năm. Trong giai đoạn 2, nhà máy sẽ được mở rộng để sản xuất các tế bào pin và nâng công suất tới 1 triệu pack pin/năm.
Sau nhiều năm nỗ lực phát triển, kinh tế Hà Tĩnh có nhiều thành tích đặc biệt
Tổng kết 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp trong nước và quốc tế tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 15.243 tỷ đồng, tăng 32,61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.892 tỷ đồng, tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư ngoài nhà nước ước đạt 9.637 tỷ đồng, tăng 16,05% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, dự án sản xuất pin do công ty giải pháp năng lượng VinES đầu tư ước đạt 2.407 tỷ đồng và dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 dự ước đạt 2.305 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Hai dự án này là nguyên nhân chính giúp vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2022 tăng 32,61% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ định hướng phát triển đúng đắn của UBND tỉnh, thu nhập bình quân đầu người của Hà Tĩnh có sự thay đổi rõ rệt. Thu nhập bình quân liên tục tăng trong giai đoạn 2016-2020, trung bình đạt khoảng 2,851 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh sở hữu khu kinh tế (KKT) Vũng Áng. Đây là một trong 5 KKT ven biển được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư.
Theo đó, đây sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước, là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam.
KKT Vũng Áng được thành lập theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 22.781 ha, với địa thế thuận lợi, cách thành phố Hà Tĩnh gần 70 km về phía Nam, cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) 50 km về phía Bắc.
KKT Vũng Áng nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây thuận tiện cho sự giao thương. Từ KKT Vũng Áng, theo quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam có thể kết nối với mọi vùng trong cả nước. Bên cạnh đó, theo Quốc lộ 8A và Quốc lộ 12 kết nối với đường Hồ Chí Minh là tuyến đường bộ ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến Lào và các tỉnh Đông Bắc - Thái Lan.
KKT Vũng Áng có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đặt mục tiêu hình thành Trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng có tầm cỡ khu vực và quốc tế, phục vụ các hoạt động logistics trong tỉnh, khu vực và quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần từng bước đưa kinh tế Hà Tĩnh hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.