Địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao

Chia sẻ Facebook
06/12/2022 12:43:34

Địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao

Theo UBND tỉnh Bình Dương, giai đoạn đầu những năm 1990, Bình Dương là một tỉnh thuần nông, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trong khi công nghiệp và dịch vụ còn quá nhỏ bé.

Tuy nhiên, từ khi tái lập tỉnh (1997), Bình Dương đã đẩy mạnh phát triển mạnh công nghiệp và thu hút đầu tư FDI. Từ đó, Bình Dương đã trở thành tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước trong nhiều năm liên tiếp. Trong giai đoạn 2002-2021, thu nhập bình quân của Bình Dương luôn lọt top 5 cả nước.

Năm 2002, thu nhập bình quân của tỉnh đạt 0,504 triệu đồng/tháng, xếp thứ 4 cả nước. Đến năm 2018, thu nhập bình quân của tỉnh đạt 6,8 triệu đồng/ tháng, dẫn đầu cả nước. Từ năm 2018 đến nay, thu nhập bình quân của tỉnh luôn giữ vị trí dẫn đầu.

Năm 2021, Bình Dương có thu nhập bình quân đạt 7,12 triệu đồng/ tháng, tương đương khoảng 86 triệu đồng/năm (3.570 USD), cao gấp 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước. Như vậy, sau 19 năm, thu nhập bình quân của tỉnh đã tăng 14 lần.

Thu nhập bình quân đầu người tỉnh Bình Dương giai đoạn 2002-2021. Nguồn: TCTK.


Theo Liên Hợp Quốc (UN), các vùng được phân chia dựa theo 4 mức thu nhập bình quân đầu người: Vùng thu nhập thấp có thu nhập bình quân đầu người dưới 765 USD/năm; vùng có thu nhập trung bình thấp từ 765 USD đến dưới 3.000 USD/năm; vùng có thu nhập trung bình cao từ 3.000 USD đến 9.100 USD/năm; vùng thu nhập cao là trên 9.100 USD/năm.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang đứng trước thách thức sớm phải đương đầu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Xác định đây không chỉ là bài toán về năng suất lao động, phát triển kinh tế, mà còn là bài toán phát triển bền vững, bài toán bình đẳng xã hội, phát triển bao trùm và đồng đều, bài toán đô thị hóa, kết nối, hội nhập phát triển.

Theo đó, tỉnh Bình Dương đã xây dựng chiến lược 6 trụ cột để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. 6 trụ cột này sẽ bao hàm thực thi việc tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp của vùng.

Cụ thể, Bình Dương sẽ xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data… để giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhằm gia tăng năng suất lao động và thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Đồng thời, tỉnh xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ thu hút các viện, trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số, nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Chia sẻ Facebook