Địa danh “Bãi cát vàng” trong sử sách

Chia sẻ Facebook
01/08/2022 13:57:37

Sang thời Nguyễn, địa danh chữ Nôm Bãi Cát Vàng được thay bằng hai từ chữ Hán là Hoàng Sa (cát vàng).


Ngày nay nói đến hai chữ Hoàng Sa thì ai cũng hiểu đó là một trong hai quần đảo ở Biển Đông và là lãnh thổ Việt Nam từ nhiều thế kỷ nay. Nhưng nói đến địa danh Bãi Cát Vàng hẳn không khỏi có người còn bỡ ngỡ.

Thật vậy, địa danh Bãi Cát Vàng người Việt Nam xưa dùng để chỉ quần đảo san hô ở Biển Đông từ lâu đã dần biến mất sau khi địa danh âm Hán Việt Hoàng Sa (Cát vàng) được dùng thay tên Nôm Bãi Cát Vàng vào đầu triều Nguyễn.

Ngày nay, người ta chỉ tìm thấy địa danh Bãi Cát Vàng được người Việt Nam xưa dùng để chỉ quần đảo san hô ở Biển Đông là xuất phát từ đặc trưng về cấu tạo (mảnh vụn san hô) và màu sắc (màu vàng nhạt) của các đảo san hô mà họ quan sát được trong quá trình khai thác quần đảo này.

Địa danh Bãi Cát Vàng lần đầu tiên xuất hiện trên tập bản đồ thể hiện hệ thống đường sá Việt Nam hồi đầu thế kỷ XVII, do Đỗ Bá Công Đạo soạn vẽ năm Chính Hoà thứ 7 (1686)(1).

Tập bản đồ này được biên tập trong bộ sưu tập bản đồ mang tên Thiên hạ bản đồ, khuyết danh, A.2628, có niên đại sau đời Vĩnh Thịnh (1705-1719).

Ở quyển 1 thể hiện đường giao thông từ kinh thành Thăng Long đến nước Chiêm Thành (lúc này, nước Chiêm Thành đã ở vào phía tây sông Phan Rang).


Phía trên bản đồ, tác giả ghi chú: “Bãi Cát Vàng dài chừng 400 dặm (2) rộng 20 dặm, từ cửa Đại Chiêm đến cửa Quyết Mông (3). Gió tây nam, thuyền đi ở bên trong trôi dạt ở đó, gió đông bắc thuyền đi (bên ngoài) trôi dạt ở đó, người đều chết đói, của cải đồ vật để lại nơi đó. Hàng năm, mùa đông, (Chúa Nguyễn) cho 18 chiếc thuyền đến lấy vàng bạc. Từ cửa Đại Chiêm đến đó một ngày rưỡi. Nơi đó sinh sản đồi mồi”.

Tập bản đồ do Đỗ Bá Công Đạo thực hiện trên đây về sau biên tập trong các bộ sưu tập về bản đồ như Toản tập Thiên Nam lộ đồ thư của Dương Nhữ Ngọc năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770), An Nam hình thắng đồ (khuyết danh) có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII. Hồng Đức Bản đồ (khuyết danh) có niên đại sau năm Tự Đức thứ 9 (1856). Trên các bộ sưu tập này, lời chú giải của tác giả được chép lại tương tự.

Địa danh Bãi Cát Vàng xuất hiện lần thứ 2 trên Giáp Ngọ Bình Nam đồ, một bản đồ tình báo do Đoan quận công Bùi Thế Đạt vẽ dâng chúa Trịnh năm Giáp Ngọ (1774) khi ông giữ chức Đốc trấn Nghệ An, phục vụ cho cuộc Nam tiến của Chúa Trịnh năm đó.

Trên bản đồ, Bãi Cát Vàng được vẽ tượng trưng bằng hình bầu dục nằm giữa Cù Lao Chàm và Cù Lao Ré (được vẽ dưới dạng những quả núi) bên ngoài bờ biển huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi).


Từ ngữ “Bãi Cát Vàng” xuất hiện lần thứ 3 trong Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776). Ở đây từ ngữ này đã được sử dụng để chỉ đảo san hô trong các quần đảo san hô, trong câu: “Trong đảo có bãi cát vang, dài chừng hơn 30 dặm bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy”.

Ngày nay, Bãi Cát Vàng tuy chỉ còn là một địa danh trong lịch sử, nhưng nó có giá trị trong việc chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo ở Biển Đông, từ thế kỷ XVII đã được nhà nước phong kiến Việt Nam khai thác và đã trở thành một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.


Phạm Hân


Đăng lại từ Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1995
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm ( hannom.org.vn )


Chú thích :


(1) Xem bài “Tìm hiểu niên đại của toản tập thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Phạm Hân, Tạp chí Hán Nôm số 1 (18) 1994.

(2) 1 dặm = 1/2 km.


(3) Trên bản đồ là “cửa Sa Mông” , trên các dị bản về sau là “Cửa Sa Vinh” , này là cửa Sa Huỳnh.


(4) Trên bản đồ không có địa danh nay. Trên các dị bản về sau là “Cửa Sa Kỳ” , này vẫn mang tên này, nằm giữa xã An Hải (bắc), và An Vĩnh (nam) ở Mũi Ba Làng An.

Ngụy Văn Thà, người ở lại Hoàng Sa!


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook