Đi tìm sâm quý trong rừng Việt
Nhóm các nhà khoa học tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tìm và xác định được 2 loài sâm quý ngoài thiên nhiên tại Tuyên Quang và Hà Giang.
Từ năm 2021, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phan Kế Long, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nhận nhiệm vụ điều tra hiện trạng các loài cây thuốc thuộc chi sâm (Panax L.) ở Tuyên Quang và Hà Giang . Trong vòng 2 năm, ông cùng các cộng sự đặt chân đến hai tỉnh này để khám phá sâm quý với 2 mục tiêu chính: điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án bảo tồn các loài Panax L.
PGS Long cho biết, chi Panax thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae), đều là những cây thuốc quý hiếm nổi tiếng thế giới. Dữ liệu từ nghiên cứu trước đó cho thấy loài sâm này xuất hiện ở Tuyên Quang và Hà Giang nhưng chưa xác định cụ thể tên loài do thiếu thông tin về hình thái và sinh học phân tử.
Tại Tuyên Quang, nhóm tìm hiểu ở huyện Lâm Bình, nơi có khu rừng phòng hộ rộng 39.752 ha thuộc địa bàn 8 xã, đỉnh núi cao hơn 1900 m và hệ núi đá vôi hiểm trở. Độ cao và khí hậu nơi đây được đánh giá rất phù hợp cho sự phát triển của cây sâm. Nhóm cho biết, các loài sâm sinh trưởng tốt ở khu vực có độ cao 1200 -1500 m, những địa điểm này thường có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm và độ ẩm tương đối cao (hơn 85%).
Những tán rừng nơi đất xốp, có mùn dày, điều kiện thông thoáng và hạn chế cây tái sinh phát triển là những khu vực được nhóm tập trung tìm kiếm. Tại đây PGS Long cùng các cộng sự xác định được 3 quần thể cây sâm thuốc Panax, đều là loài P. notoginseng (Burk.) Chow & Huang, 1975 (Điền thất/Tam thất bắc).
Tại Hà Giang, nhóm tập trung tìm kiếm sâm ở 3 dãy núi Chiêu Lầu Thi, Tây Côn Lĩnh, Tả Phìn Hồ thuộc địa bàn các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Vị Xuyên. Khu vực cao nhất lên đến 2400 m so với mực nước biển.
Kết quả thu được 5 quần thể cây sâm thuốc Panax loài P. stipuleanatus C.T.Tsai & K.M.Feng (Tam thất hoang). Theo đó, 57 cá thể thuộc 5 tiểu quần thể Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Vị Xuyên ghi nhận hạt sâm với số lượng ít.
Với mức độ suy giảm hơn 90%, quần thể tam thất hoang ở Hà Giang được đánh giá ở tình trạng nguy cấp. Theo tiêu chí đánh giá IUCN (2019), hiện trạng quần thể tam thất hoang đang ở mức cực kỳ nguy cấp do số lượng cây tái sinh rất thấp, nguy cơ gần các loài cây thuốc thuộc chi sâm bị thu hẹp.
PGS Phan Kế Long cho rằng, một số loài sâm ở mức nguy cấp và có nguy cơ tuyệt chủng cao do bị suy giảm môi trường sống và con người khai thác quá mức. Đây cũng là yếu tố gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu trong quá trình tìm kiếm các loài sâm ngoài thiên nhiên ở Tuyên Quang và Hà Giang.
Sau 2 năm tìm kiếm và đánh giá các loài sâm quý, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình bảo tồn và nhân trồng tại rừng Lâm Bình (Tuyên Quang) và rừng khu vực Chiêu Lầu Thi (Hà Giang).
Các nhà khoa học cũng đề xuất quản lý chặt cây tái sinh và bảo tồn sự các nguồn gene tại 5 quần thể ở Hà Giang và 3 quần thể ở Tuyên Quang, đồng thời thử nghiệm trồng tại cùng độ cao, cùng đai khí hậu. Theo ông Long, doanh nghiệp và người dân cần chung tay tham gia bảo tồn, nhân giống tại chỗ và khai thác bền vững các loài cây thuốc thuộc chi sâm.
Giá trị dược liệu của tam thất hoang cũng được nhóm nghiên cứu bước đầu xác định có nhiều hợp chất quý như: aglycone, oleanolic acid và panaxadiol. Các chất này có tác dụng tiêu đờm, giảm đau, cầm máu và bồi bổ sức khỏe. Chúng còn chứa Oleanane-triterpenoid có khả năng kháng ung thư, kháng viêm thông qua cơ chế kìm hãm sự hoạt động của tác nhân NF-ĸB truyền tín hiệu kích hoạt biểu hiện một số gene liên quan đến viêm nhiễm.
sâm vũ điệp (P.japonicus var. bipinnatifidus (Seem.), Wu & Feng (P. bipinnatifidus Seem.), tam thất (P. notoginseng), tam thất hoang (P. stipuleanatus), sâm lai châu (P. vietnamensis var. fuscidiscus) và sâm langbian (P. vietnamensis var. langbianensis).
Sâm Ngọc Linh (P. vietnamensis var. vietnamensis) cũng thuộc Panax được nghiên cứu khá chi tiết về giá trị dược liệu nhưng chưa được tìm thấy ngoài tự nhiên. Sâm Ngọc Linh chứa hàm lượng ocotillol saponin có tác dụng an thần và majonoside-R2 có khả năng kháng tác nhân gây bệnh ung thư vòm họng.