Di sản tầm toàn cầu của ông Abe

Chia sẻ Facebook
10/07/2022 01:07:19

Cố thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo để lại những di sản lớn, không chỉ cho nước Nhật, từ củng cố quốc phòng, ngoại giao cho đến mở cửa quốc gia, nhưng dấu ấn đậm nhất của ông là về kinh tế với chính sách Abenomics, tham gia TPP...

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong lần vận động năm 2013 để Tokyo đăng cai Thế vận hội 2020 - Ảnh: REUTERS


Trong bài viết đăng ngày 8-7, phó chủ tịch phụ trách kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Matthew P. Goodman nhận định ông Abe là nhà vô địch của trật tự kinh tế toàn cầu.

"Ông Abe là chính trị gia có tác động nhất trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản. Di sản của ông - tuy không phải không gây tranh cãi - bao gồm một loạt các thành tựu, từ việc củng cố quốc phòng của Nhật Bản đến việc hồi sinh nền ngoại giao của nước này để đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia cởi mở và dễ tiếp cận hơn.


Nhưng chính trong chính sách kinh tế - đặc biệt là những nỗ lực của ông trong việc cập nhật và duy trì các quy tắc kinh tế toàn cầu - là một trong những dấu ấn lớn nhất của ông", ông Goodman viết.


Hồi sinh kinh tế

Theo chuyên gia này, kể từ khi lên nắm quyền trở lại vào cuối năm 2012, ông Abe nhấn mạnh rằng việc hồi sinh kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới của ông. Trong hơn hai thập kỷ kể từ khi “nền kinh tế bong bóng” vào cuối những năm 1980 bị vỡ, Nhật Bản phải đối mặt với tăng trưởng chậm và "cơn gió lớn": giảm phát, nợ và tình hình dân số (già và giảm).

Ông đề xuất một chiến lược kinh tế ba mũi nhọn - sau đó được các chuyên gia gọi là “Abenomics” - bao gồm nới lỏng tiền tệ, chính sách tài khóa linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng trong khi kiềm chế nợ, bãi bỏ các quy định và thực hiện các cải cách cơ cấu khác.


Những nỗ lực của ông cũng có tác động mạnh mẽ đối với kinh tế quốc tế. Chưa đầy hai tháng sau khi trở lại nhiệm sở, Abe thăm Washington vào tháng 2-2013 và có bài phát biểu tại CSIS, trong đó ông tuyên bố rằng "Nhật Bản đã trở lại".

Ông tiết lộ rằng các quan chức của ông đang đàm phán các điều khoản để Nhật Bản tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại toàn diện mà Mỹ khi đó đang đàm phán với 10 đối tác châu Á - Thái Bình Dương khác.

Thông báo của ông Abe về TPP đã khuấy động đến tận Trung Quốc, tạo cuộc tranh luận giữa các quan chức và học giả nước này vào đầu năm 2013 về việc liệu Bắc Kinh có nên đăng ký trở thành thành viên TPP.

Ngoài việc khởi động đàm phán TPP, ông Abe còn đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc cứu vãn hiệp định sau khi tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định vào đầu năm 2017.

Ông tập hợp lại 10 nước thành viên TPP khác và cuối cùng nhận được sự ủng hộ của họ đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với phần lớn thỏa thuận trước đó được giữ nguyên và mở ra cánh cửa cho sự quay trở lại của Mỹ.


Xây dựng quy tắc kinh tế toàn cầu

Nhiều người đến đặt hoa tưởng niệm tại nơi ông Abe bị ám sát ở Nara, Nhật Bản, ngày 9-7 - Ảnh: REUTERS

Nhưng không chỉ trong chính sách thương mại, ông Abe còn để lại một di sản quan trọng trong việc xây dựng quy tắc và chuẩn mực kinh tế toàn cầu. Vào tháng 5-2015, ông Abe công bố chương trình "Đối tác về cơ sở hạ tầng chất lượng" mới với các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường và tính bền vững của nợ trong các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm đáp lại sáng kiến "Vành đai và con đường" đầy tham vọng và việc Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á của Trung Quốc.


"Là người chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào năm 2019, ông Abe giành được sự tán thành - bao gồm cả Trung Quốc và các thị trường mới nổi lớn khác - về một 'bộ nguyên tắc cơ sở hạ tầng chất lượng' để quản lý hàng ngàn tỉ USD đầu tư vào đường sá, bệnh viện và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần thiết riêng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Goodman cho biết.

Ví dụ thứ ba về sức ảnh hưởng của ông Abe là trong lĩnh vực quan trọng của quản trị dữ liệu. Nền kinh tế toàn cầu ngày càng được số hóa, với một lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra mỗi phút, nhưng không có quy tắc thống nhất quốc tế nào về quyền riêng tư, bảo mật và lưu thông của những dữ liệu này.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos vào tháng 1-2019, Abe đề xuất khái niệm “lưu thông dữ liệu tự do tin cậy” (DFFT) như là nguyên tắc tổ chức cho việc xây dựng quy tắc toàn cầu trong lĩnh vực này.


Một lần nữa, ông Abe giành được sự tán thành của G20 đối với khái niệm này. Chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida hiện tại được cho là đang lên kế hoạch đưa việc thực hiện DFFT trở thành ưu tiên cho năm Nhật Bản đăng cai G7 vào 2023.

"Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản về cơ bản là một nước tuân theo quy tắc trong nền kinh tế toàn cầu, thường ở trong tư thế phòng thủ trong thương mại quốc tế và hiếm khi chấp nhận rủi ro để ủng hộ các quy tắc và chuẩn mực mới.


Ông Abe đã thay đổi tất cả, với những nỗ lực táo bạo của ông đối với TPP, cơ sở hạ tầng chất lượng, quản trị dữ liệu. Vào thời điểm trật tự kinh tế toàn cầu đang căng thẳng và Mỹ rút lui khỏi vai trò truyền thống là người định hình các quy tắc kinh tế toàn cầu, sự lãnh đạo của ông Abe đóng vai trò then chốt. Di sản của ông ấy sẽ tồn tại lâu hơn kết thúc bi thảm của ông ", ông Goodman viết.

Nếu tình cảm đặc biệt của ông Abe Shinzo dành cho Việt Nam xuất phát từ trái tim, thì sự tận tâm vun đắp mối quan hệ Việt - Nhật xuất phát từ tầm nhìn của ông.

Chia sẻ Facebook