Đi săn đặc sản "sâu đất" kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 14:47:09

Khi nước biển xuống, lộ ra những bãi triều ven bờ cũng là lúc người dân huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) bắt đầu đi săn "sâu đất".

Đào sâu đất là nghề kiếm thu nhập chính của nhiều người dân huyện Vân Đồn. Họ thường ra các bãi triều ven bờ vịnh Bái Tử Long để cuốc sâu đất, thu nhập mỗi ngày từ 500.000 đến 600.000 đồng.

Tùy vào con nước, người dân có thể cuốc sâu đất từ 3 đến 4 tiếng. Ảnh: VnExpress.


Chia sẻ với VnExpress , chị Hà Hải Hiến (41 tuổi, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) cho biết đã có hơn 20 năm làm nghề săn sâu đất. Đây là nguồn thu nhập chính, giúp chị có thể lo cho con cái học hành.

Theo chị Hiến, để biết được chỗ nào có sâu đất phải tìm thấy đúng hang của nó. Đó là những lỗ nhỏ có ụ bùn cát đùn lên xung quanh. Những chỗ nào thưa mắt thì chỗ đấy nhiều con to và dày thịt.

Công cụ để săn “lộc biển” là một chiếc cuốc kèm theo xô hoặc thùng. Khi phát hiện chỗ có sâu đất thì người đi săn bắt đầu cuốc. Sau nhát đầu tiên, những nhát sau phải cuốc thật nhanh vì chỉ cần nghe tiếng động nhỏ là con vật sẽ luồn sâu xuống dưới.

Sâu đất có hình trụ thon dài. Ảnh: VnExpress.

Sâu đất nằm dưới lớp bùn cát từ 10 đến 30 cm. Nó có hình trụ thon dài, khi vừa bắt lên cho vào thùng thì co lại. Nhiều con to gần bằng ngón tay cái.

Theo người dân Vân Đồn, sâu đất cùng họ với sá sùng nhưng có màu đen vàng thay vì màu hồng nhạt như sá sùng. Ảnh: VnExpress.

Sâu đất (tên khác là cật đất, đồn đột, chặt khoai, sâm đất...) là loài có nhiều ở các bãi đất cát pha bùn. Theo người dân Vân Đồn, sâu đất cùng họ với sá sùng nhưng có màu đen vàng thay vì màu hồng nhạt như sá sùng. Theo tài liệu dược học cổ truyền, sâm đất vị mặn, tính lạnh, có công dụng bổ dưỡng phần âm và giải nhiệt, làm mát phổi, cải thiện công năng tỳ vị, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như nóng bốc ở tầng sâu bên trong hay sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm, ho khạc đờm nhiều do phế hư; tiểu đêm nhiều...

Theo tài liệu dược học cổ truyền, sâm đất có công dụng bổ dưỡng phần âm và giải nhiệt, làm mát phổi, cải thiện công năng tỳ vị,... Ảnh: Dân Việt

Còn theo dân gian, sâm đất có công dụng bổ thận, ích tinh, chữa yếu sinh lý, liệt dương. Sâm đất tươi được chế biến thành các món rán, xào, nướng hoặc nấu cháo cho người ốm bồi bổ sức khỏe , trong khi sá sùng thường được phơi khô. Hiện nay, tại các nhà hàng sâm đất là một đặc sản đắt tiền.

Không chỉ ở Vân Đồn, đào sâm đất cũng là nghề kiếm thu nhập chính của nhiều người dân vùng ven rừng ngập mặn Cà Mau. Ảnh: Dân Việt.

Được biết, sâu đất sẽ được làm sạch ruột và lộn bên trong ra bên ngoài. Sâu đất sau khi lộn từ bên trong ra bên ngoài sẽ có màu trắng. Sau khi làm sạch, sâu đất được các nhà hàng, quán ăn thu mua lại với giá từ 500.000 đến 600.000 đồng/kg. Vào dịp Tết, giá có thể tăng từ 800.000 đến 900.000 đồng/kg.

Chị Bùi Thị Sen (32 tuổi, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) cho biết hiện nay các bãi triều ở Vân Đồn không còn nhiều sâu đất. Trước đây mỗi ngày người dân có thể bắt được 3 đến 4 kg, nhưng giờ một ngày đi cuốc họ chỉ được hơn 1 kg. Thêm vào đó, những năm gần đây huyện Vân Đồn có nhiều dự án lấn biển, các bãi triều bị thu hẹp dần càng khiến cho việc săn “lộc trời” trở nên khó khăn.


Theo Minh Hoa

Chia sẻ Facebook