Đi ngược thị trường, một cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng gần 22% trong hơn 1 tháng qua và liên tục giao dịch thỏa thuận khủng
Riêng trong hai phiên gần nhất, cổ phiếu này đã tăng gần 14% và là mã ngân hàng duy nhất tăng giá so với cuối năm 2021.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục chìm trong sắc đỏ trong thời gian gần đây và là nhân tố chính kéo thị trường giảm sâu trong tháng 9 và đầu tháng 10. Kể từ đầu năm đến nay, phần lớn mã ngân hàng đều đã giảm trên dưới 30%, thậm chí có mã đã mất một nửa giá trị.
Cùng với diễn biến giá, thanh khoản của cổ phiếu này cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Đỉnh điểm phiên 6/10 ghi nhận hơn 6,4 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trực tiếp trên sàn - mức cao nhất kể từ cuối năm 2018.
Bên cạnh giao dịch khớp lệnh, hoạt động thỏa thuận tại EIB cũng diễn ra sôi động với hơn 153,5 triệu cổ phiếu được sang tay theo hình thức này kể từ đầu tháng 9, giá trị gần 5.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng phiên 30/9 ghi nhận gần 70,4 triệu cổ phiếu EIB được sang tay theo phương thức thỏa thuận, tương đương gần 5,7% số cổ phần đang lưu hành của Eximbank.
Trong dòng chảy thông tin liên quan đến cổ phiếu này, mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh – Thành viên HĐQT Eximbank đã đăng ký bán toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu EIB (chiếm 0,899% vốn cổ phần ngân hàng) theo phương thức thỏa thuận trong thời gian từ ngày 10/10 đến 31/10/2022. Bà Lê Hồng Anh là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn Thành Công.
Ngoài bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, ba tổ chức liên quan đến Tập đoàn Thành Công cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 117 triệu cổ phiếu EIB theo phương thức thỏa thuận từ ngày 7/10 đến ngày 31/10. Như vậy, các tổ chức và cá nhân liên quan đến Tập đoàn Thành Công sẽ bán tổng cộng gần 129 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10,4% vốn của Eximbank.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2022, quỹ đầu tư VOF đã bán ra toàn bộ số cổ phiếu EIB mà đơn vị này nắm giữ, tương đương 4,93% vốn cổ phần. Trong khi, SMBC - tổ chức nắm 15% vốn cổ phần của EIB cũng thông báo chính thức chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank. Dù SMBC chưa chính thức thoái vốn nhưng mới đây, ông Võ Quang Hiển – đại diện tại Eximbank theo ủy quyền của SBMC thông báo đã không còn là thành viên HĐQT Eximbank.
Giới đầu tư kỳ vọng sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của Eximbank sẽ giúp ngân hàng này ''quy về một mối'' và chính thức khép lại ''cuộc chiến vương quyền'' kéo dài trong nhiều năm qua.
Trong một diễn biến khác, Eximbank đang triển khai những bước cuối cùng để thực hiện trả cổ tức 20% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận từ năm 2017 đến năm 2021. Như vậy, sau 8 năm chờ đợi, cổ đông Eximbank mới được nhận cổ tức.
Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Lần tăng vốn gần nhất diễn ra vào năm 2011 khi ngân hàng thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 17%.
Không chỉ quay lại cuộc đua tăng vốn, Eximbank cũng đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ trên thị trường nợ với việc thông qua phương án phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2022. Đợt phát hành này nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định.
Quyết tâm ''chuyển mình'' của Eximbank còn thể hiện qua động thái khởi động lại dự án trụ sở chính tại số 7, đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM (Tháp Eximbank) sau hơn một thập kỷ ''đắp chiếu''.
Theo đó, ngân hàng sẽ đầu tư xây dựng Tháp Eximbank bằng 100% nguồn vốn tự có. HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) được giao nhiệm vụ triển khai công tác lập và trình phê duyệt quy hoạch, lập và trình phương án kiến trúc, lập báo cáo đầu tư xây dựng tòa nhà Eximbank phù hợp với chủ trương đầu tư của ngân hàng và quy hoạch của TP HCM để trình ĐHCĐ trong những kỳ đại hội tiếp theo để phê duyệt trước khi thực hiện.
Liên tiếp những bước đi mang tính lịch sử của Eximbank được thực hiện sau khi ngân hàng này tổ chức thành công hai phiên Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 và 2022, với tỷ lệ tham dự lên tới 95%.
Trước đó, Eximbank nhiều lần lên kế hoạch tổ chức họp kể từ năm 2019 nhưng đều thất bại. Cho tới phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 vào ngày 15/2 năm nay, Eximbank mới dàn xếp được đội ngũ Hội đồng quản trị mới khi bà Lương Thị Cẩm Tú - thành viên duy nhất từ Hội đồng quản trị nhiệm kỳ cũ - trở thành chủ tịch.
Sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông Eximbank cũng ngày càng tăng khi hầu hết các tờ trình của ban lãnh đạo đều được ĐHĐCĐ thường niên 2022 lần 2 thông qua.
Chia sẻ tại cuộc họp gần nhất, bà Lương Thị Cẩm Tú cho biết tình trạng "đấu đá nội bộ" đã kết thúc. Ở nhiệm kỳ VII (2020 – 2025), tức nhiệm kỳ hiện tại, Hội đồng quản trị đề ra mục tiêu đặt lợi ích cổ đông và phát triển ngân hàng lên hàng đầu.
Theo bà Tú, HĐQT nhiệm kỳ VII có sự thống nhất và nhất trí cao của cổ đông với tỷ lệ tham dự đại hội lên gần 95%. Đồng thời, không có nhóm cổ đông nào hoặc nhóm lợi ích nào có thể chi phối hoạt động HĐQT Eximbank.
"Ban lãnh đạo ngân hàng sẽ cố gắng đưa Eximbank trở lại quỹ đạo, càng ngày càng đi lên chứ chúng ta hiện nay đang tụt lại quá sâu so với các ngân hàng bạn trên thị trường tài chính Việt Nam", Chủ tịch Eximbank nhấn mạnh: ''HĐQT nhiệm kỳ VII đảm bảo cho Eximbank phát triển tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho tất cả nhà đầu tư, nhân viên, xã hội. Tất cả đều có mục tiêu chung về chiến lược, hoạt động ngân hàng với kỳ vọng đưa Eximbank trở lại Top 10''.