Đi một ngày đàng…

Chia sẻ Facebook
28/12/2023 03:36:45

Tôi bỏ ra một buổi tha thẩn, và mới biết, té ra mình chưa hiểu bao nhiêu về Tây Nguyên cả.


Tại một góc quảng trường thành phố Pleiku đang có một cuộc trưng bày khá thú vị, một Tây Nguyên thu nhỏ được nhà sưu tập Đặng Minh Tâm và 2 người nữa từ Lâm Đồng mang tới khiến cái quảng trường sinh động hẳn.

Đã đành, Tây Nguyên là gồm năm tỉnh, tính từ Bắc vào là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông và Lâm Đồng, nhưng mỗi tỉnh mỗi khác nhau, mỗi dân tộc khác nhau, ngoài những tương đồng thì còn rất nhiều khu biệt. Nhiều người không hiểu, cứ tưởng phàm là Tây Nguyên thì đều như thế như thế.

Ảnh minh họa.

Như cái nhà rông, càng về phía Nam dường như nó càng thoái hóa. Các tộc người bắc Tây Nguyên như Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Ngao, Xê Đăng, Bahnar, Jrai... ở Kon Tum, Gia Lai thì có nhà rông, bắt đầu tới cuối Jrai, Ê Đê, Mnông tới K’ho. Lạch, Mạ... của Đăk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng thì không còn nhà rông, mà thay thế là nhà dài, dẫu công năng và tính chất nó khác nhau, nhà rông thì của cộng đồng, của làng, nhà dài thì của cá nhân, của gia đình. Và nhà rông của từng dân tộc cũng rất khác nhau dẫu thoạt nhìn có vẻ chúng giống nhau. Nhà sàn cũng thế, tới các vật dụng cũng vậy.

Ở đây người ta trưng bày các loại nhà rông, nhà dài, và các vật dụng kèm theo, tất nhiên là trưng bày thì nó không thể như 100%, nhưng ít nhất cũng giúp người tham quan hình dung một phần đời sống buôn làng, bởi không phải ai cũng có thể xuống các buôn làng, từng buôn làng...

Và vào xem, mới thấy té ra, bà con Tây Nguyên xưa thông minh thật, rất nhiều điều mà tôi chưa biết, nhất là văn hóa bà con phía Nam Tây Nguyên, từ Đắk Lắk trở vào.

Té ra, cái gùi ấy, càng về phía Nam Tây Nguyên nó càng to, là bởi càng về phía Nam núi càng bằng và rừng càng thưa nên gùi to không bị vướng.


Té ra những cái trống ấy, nó bằng da đủ thứ con chứ không chỉ da trâu hay da voi. Da trâu ít hơn vì bà con dùng để ăn. Và khác người Kinh căng trống, bà con Tây Nguyên căng lúc da còn tươi, rồi khô tới đâu nó rút tới đấy, phẳng lì và khít lịt. Trống người Kinh, như Đọi Tam chả hạn, căng da khô, phải nhích từng tí một rồi dùng đinh gỗ cố định. Phần da ở thành trống bao giờ cũng dúm lại, còn trống da tươi, phẳng lì.
Té ra lâu nay tôi cứ tưởng đàn đá là được nhặt từ đá... suối. Té ra, phải là đá trên núi cao, càng cao càng tốt, càng pha kim loại tiếng càng hay. Đá đã ngậm nước không bao giờ kêu, nên không có chuyện đá suối có thể làm đàn đá.

Tới săn voi.

Tác giả và nhà sưu tập Đặng Minh Tâm trước căn nhà trưng bày di vật vua voi.

Tôi từng lang thang ở buôn Đôn, vào tận khu nhà mồ của vua voi Y Thu, từng vào nhà và nói chuyện với con gái cũng vua voi A Ma Kông, từng viết về cả hai ông nhưng té ra phải gặp ông Tâm này mới hiểu thêm nhiều điều về săn voi.

Mới hiểu tại sao các ông săn nhiều voi thế nhưng thực tế lại... ít hơn nhiều. Đại loại nó cũng gần như cách tính thành tích của ta, một việc mà nhiều nơi báo cáo số lượng...

Ở đây đoàn săn voi ít nhất có 5 con, mỗi con có 2 Gru, tức 10 người. Khi bắt được voi (đều là voi con, không bắt voi bố mẹ) thì thành tích chia đều. Nếu bắt được voi trắng thì được tính bằng nhiều voi đen, vân vân.

Và mới té ra, nói là người Tây Nguyên bắt voi nhưng thực ra chỉ có người Lào ở Buôn Đôn và người Mơ Nông vùng Lăk biết bắt voi, các vùng khác chỉ nuôi voi. Ngay buôn hay bản Đôn cũng không phải nhiều người biết. Buôn là tiếng Ê Đê, bản là tiếng Lào. Vùng này có cả người Lào sinh sống, các thế hệ sau hòa huyết khá nhiều. Cũng như thế là Buôn Ma Thuột và Ban Mê Thuột. Tên chính thức bây giờ là Buôn Ma Thuột, tức là buôn của bố ông Thuột. Còn Ban Mê Thuột là gọi theo tiếng Lào, bản của mẹ ông Thuột, giờ chỉ còn trong ký ức. Có một thời người ta còn gọi là Buôn Mê Thuột nữa.

Nói chuyện nuôi voi, trên bản đồ voi Tây Nguyên xưa còn có làng voi Nhơn Hòa của người Jrai nam Gia Lai, trước thuộc huyện Chư Sê, giờ là huyện Chư Pưh. Nơi đây từng có làng nuôi voi, từng là làng voi hùng mạnh. Voi vừa là công cụ lao động, vừa là của cải. Có lẽ ý nghĩa sau lớn hơn. Nhưng người Jrai ở đây không biết bắt voi, họ đi đổi voi của người Lào và người Mơ Nông về nuôi, coi như của cải giống như chiêng ché. Vật đổi sao dời, giờ làng voi Nhơn Hòa đã hết voi. Mà chả cứ Nhơn Hòa, giờ ngay ở buôn Đôn, ở Lăk, voi cũng gần hết.

Đơn giản thôi, giam cầm nó thế, không cho nó sinh sản thì voi ở đâu ra nữa. Mà để sinh sản, voi cần những khoảng rừng rất rộng để giao phối. Mỗi cuộc voi giao phối như là một cuộc động rừng, xứng đáng tầm cỡ... voi. Giờ xích suốt ngày, đi đi lại lại ở một phạm vi nhất định, thi thoảng điên lên, quật người, cả khách và nài. Không loại trừ đấy là mùa sinh sản của voi, cả voi đực, voi cái cùng dễ... manh động.

Một trong những nguyên tắc săn voi là chỉ bắt voi con, một là dễ bắt, hai là thuần dưỡng được, nhiều lý do nữa. Ở cái trưng bày này, có nhiều vật dụng điều khiển voi rất thú vị. Cái thì dùng để điều khiển phải trái, cái thì điều khiển tốc độ, cái thì điều khiển cho voi... gầm, để dọa voi rừng và voi con, cái thì dùng để treo chân voi đang thuần dưỡng lên nếu nó hư, lại có cái đầy gai để... kẹp cổ nếu ngoan cố, và tất nhiên trên hết phải là sự âu yếm, chỉ dùng tiếng Mơ Nông để dạy voi con.

Người săn voi được gọi là Gru, có những quy tắc rất chặt chẽ để trở thành Gru và tham gia các cuộc săn voi. Hai người săn voi lừng danh ở Tây Nguyên xưa là Y Thu Knul và Ama Kông. Ông Ama Kông nổi tiếng còn là vì có phương thuốc mang tên ông “nghe đồn” là rất hay cho khoản sinh lực đàn ông, nhưng tôi không tin lắm. Ông Y Thu thì nổi tiếng vì đã từng bắt được 2 con voi trắng, một con tặng vua Thái Lan và một con tặng vua Bảo Đại. Có thể coi Y Thu là nhà ngoại giao quốc tế đầu tiên của các tộc người Tây Nguyên chăng?

Nôi của người S’tiêng. Lâu nay chỉ nghe người Tây Nguyên địu con bằng những tấm vải tự dệt. Khi vào rẫy, cũng chiếc địu ấy treo lên thành cái tương tự võng. Lần đầu tiên tác giả biết và thấy người Tây Nguyên có nôi tre.

Xung quanh voi Tây Nguyên còn rất nhiều... huyền bí, nếu có điều kiện tôi sẽ trở lại, ví dụ có chuyện quân Tây Sơn có đội tượng binh, nhưng giờ không thể thấy dấu tích ở vùng Tây Sơn thượng đạo, được cho là nơi quân Tây Sơn luyện voi, chí ít cũng phải còn dấu tích bãi luyện voi hay xương voi, hay như voi Tây Sơn có thực sự tham gia trận Rạch Gầm Xoài Mút không, đơn giản là, voi nặng hàng tấn thế, lội xuống bùn thì có đánh nhau được không?


Nhưng quả là, một vòng thăm cái khu Tây Nguyên thu nhỏ ở ngay thành phố Pleiku ấy, học được khá nhiều điều.

Thì các cụ chả dạy, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Giờ sàng khôn có người bày sẵn, mình chỉ việc xem rồi học.


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Chia sẻ Facebook