Đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao chất lượng nhân lực

Chia sẻ Facebook
28/08/2022 18:46:35

Việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài được xác định là để người lao động học hỏi, tiếp thu khoa học, kỹ thuật hiện đại và bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao.


Ban Kinh tế Trung ương vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 16 của Ban Bí thư khóa 11 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Sau 10 năm thực hiện chỉ thị, thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài đã mở rộng quy mô từ 9 thị trường năm 2013 lên tới 25 thị trường hiện nay. Hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đã được đi làm việc ở nước ngoài, mỗi năm gửi về nước khoảng 10 tỷ USD, tăng 5 lần so với giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị.

Tuy nhiên, việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 16 tại nhiều cấp ủy còn mang tính hình thức. Công tác truyền thông về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa rộng rãi, kịp thời đến người lao động có nhu cầu.

Hội nghị cũng cho rằng cần chú ý đến cung - cầu lao động, hướng tới gắn kết giữa lao động trong nước, lao động ngoài nước, xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững.

Việc đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài thời gian qua đã góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc này không chỉ để nâng cao thu nhập, mà cần tận dụng kỹ năng nghề tích lũy trong quá trình làm việc.

Mức lương của các lao động đã qua đào tạo nghề cao hơn lao động phổ thông. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

100 học viên tại lớp học nghề ô tô sau khi ra trường sẽ được đối tác đón sang Nhật làm việc tại nhà máy của Tập đoàn Mitsubisi hoặc Toyota với thời hạn 5 năm. Mức lương của các lao động đã qua đào tạo nghề này cao hơn lao động phổ thông rất nhiều, khởi điểm gần 30 triệu đồng chưa kể tăng ca.

"Sau khi chúng em học nghề ở đây có cơ hội làm việc ở Nhật Bản với chi phí 0 đồng, miễn phí. Mỗi học kỳ, học sinh đóng 6 triệu đồng, tương lai là đi Nhật. Sau khi về nước, chúng em sẽ được doanh nghiệp Nhật hỗ trợ 100% việc làm tại Việt Nam", học viên Hoàng Tiến Mạnh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, cho biết.

"Em vừa thi trúng tuyển làm việc tại Toyota Nhật Bản. Em sang Nhật để học hỏi, nâng cao tay nghề. Sau khi trở về nước, em cũng mong muốn được ứng tuyển vào các vị trí quản lý của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam", học viên Trần Mạnh Hùng, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, chia sẻ.

Những lao động này khi trở về nước thường được các công ty tuyển dụng săn đón vì ngoài tay nghề đã được rèn luyện, họ còn quen với tác phong công nghiệp. Đây chính là chiến lược mới trong việc đưa người đi lao động ở nước ngoài.

"Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hướng lao động có kỹ thuật cao, đến các thị trường có thu nhập cao, nền công nghệ tiên tiến. Qua đó, lực lượng lao động của chúng ta sẽ tiếp cận được công nghệ, kỹ thuật của các nước tiên tiến, học hỏi, nâng cao trình độ, sau đó về hòa nhập với lực lượng lao động trong nước, góp phần thực hiện tiến trình công nghệ hóa, hiện đại hóa", ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho hay.


"Sau thời gian đi làm việc ở nước ngoài, người lao động về sẽ được tạo việc làm trong nước, gắn kết với các ngành nghề mình đã được đào tạo, học ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy, phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế của đất nước trong thời kỳ sắp tới", ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thông tin.

Trường đại học "bắt tay" doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao Nhiều trường đại học đã chủ động bắt tay với các doanh nghiệp để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Chia sẻ Facebook