Đi làm không dám về đúng giờ vì sợ sếp đánh giá

Chia sẻ Facebook
15/05/2023 13:10:42

Dù việc tan làm đúng giờ là điều hiển nhiên và là quyền lợi của mỗi chúng ta nhưng nhiều người vẫn không tránh khỏi cảm thấy ngại ngùng, sợ sếp đánh giá thiếu tinh thần làm việc.

Khi đi làm, bạn không tránh khỏi các loại áp lực từ deadline ngập đầu, họp hành liên tục hay thiếu KPI… Có đam mê đến mấy cũng không thể phủ nhận, cảm giác sung sướng nhất sau nửa ngày bù đầu với công việc là được trở về nhà.

Song, dù đi làm đúng giờ là lẽ đương nhiên nhưng tan làm khi đồng hồ điểm lại là một việc khá nhạy cảm. Bởi không phải cứ hết giờ là hết việc, sếp vẫn theo sát hoặc đồng nghiệp vẫn ở lại tăng ca… nên rất khó để ta “mặc kệ đời” và cứ thế đi về nhà.

Người lao động, nhất là nhân viên văn phòng thường có giờ làm cố định là 8 tiếng mỗi ngày.


“Về đúng giờ như đang ‘phản bội’ sếp”


Là một nhân viên văn phòng, Ngọc Anh (24 tuổi, ở Hà Nội) đi làm từ 8h30 sáng đến 17h30p. Ở công ty có thể xử lý được nhiều việc, lại có đồng nghiệp hợp cạ nên cô luôn đi làm trong trạng thái vui vẻ, nhiệt huyết, dù vậy vẫn không hạnh phúc bằng cảm giác được trở về căn nhà của mình. “ Có làm gì đi nữa thì mình vẫn luôn vô thức nhìn đồng hồ, chờ đến giờ tan ca để về ”, Ngọc Anh chia sẻ.

Dù hăng say làm việc đến đâu, Ngọc Anh luôn vô thức nhìn vào đồng hồ chờ đến giờ tan ca.


Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà việc tắt laptop và đứng dậy ra về lúc 17h30p luôn khiến Ngọc Anh thấy khó xử, ngượng ngùng. 9X giãi bày: “ Về đúng giờ như thể mình đang ‘phản bội’ sếp ấy. Sếp ngồi đó, không nói gì nhưng mình luôn băn khoăn liệu sếp có nghĩ mình thiếu tinh thần cống hiến cho công ty hay có năng lượng làm việc kém, chỉ chực chờ giờ về hay không. Nhiều lúc mình chào mọi người rồi đứng dậy về mà cứ nhột sau lưng như thể sếp đang nhìn và đánh giá mình vậy ”.

Dù về đúng giờ nhưng nhiều người lại sợ bị sếp đánh giá thiếu tinh thần làm việc.

Sở dĩ đa số các công việc ngày nay đều có dòng chảy liên tục, dự án này chưa xong đã qua dự án khác, hạng mục này nối tiếp hạng mục kia nên rất khó để hoàn thành trong ngày, hầu như bạn sẽ phải mang việc về nhà làm tiếp. Vậy nên cảm giác tan làm khi chưa xong việc khiến bạn khó tránh được sự bứt rứt, áy náy. Hay thậm chí khi bạn xong việc rồi thì hành động đứng lên ngay khi vừa đến giờ tan ca dù không sai nhưng phần nào thể hiện sự vội vàng, “háo hức” được về nhà. Nếu tất cả mọi người đều về cùng lúc, đúng giờ thì không sao, nhưng chỉ riêng bạn như vậy chắc sẽ cảm thấy hơi ngượng và tự hỏi liệu sếp có so sánh mình với người khác hay đánh giá mình không tâm huyết đúng không?

Cố gắng "gồng" quá sức sẽ khiến bạn thêm mệt mỏi, hiệu quả công việc cũng chẳng cao.


Hò nhau cùng về cho đỡ ngại

Tương tự, Thùy Linh (24 tuổi, ở TP.HCM) cũng không tự tin đứng dậy ra về đúng giờ tan ca. Cô sẵn sàng tăng ca nhưng đôi khi dù ở lại công ty cũng không xử lý được hết việc nên thay vào đó, nghỉ ngơi lấy sức làm việc tiếp là lựa chọn tốt hơn. Song, vì ngại sếp đánh giá mà 9X luôn chần chừ, ngồi chờ thêm 5 - 10 phút mới ra về.

Dù không nói nhiều nhưng sếp là người luôn dõi theo nhân viên sát sao nhất.


Không chỉ riêng Thùy Linh thấy vậy này mà đồng nghiệp của cô cũng thế. Vậy nên để tránh cảm giác “tội lỗi” khi tan ca đúng giờ, 9X và đồng nghiệp đã lập một nhóm chat, đến giờ là nhắn tin rủ nhau cùng dọn đồ và đứng lên cùng lúc. Cô bạn bộc bạch: “ Cứ 17h là cả team đưa mắt nhìn nhau nhưng không ai đủ dũng cảm để ‘tiên phong’. Nên bọn mình mới rủ nhau đi về, như vậy dù sếp đánh giá thì cũng nói cả team chứ không phải chỉ riêng mình ”.

Để tránh cảm giác ngượng ngùng khi tan làm đúng giờ, Linh rủ đồng nghiệp cùng về cùng cho đông vui.

Áp lực công việc khiến ai cũng muốn về nhà thật nhanh để "xả hơi". Dù nhiều công ty, doanh nghiệp còn khuyến khích nhân viên làm thêm giờ, song trừ khi bắt buộc thì đa số đều chọn mang việc về nhà làm tiếp vì sẽ thoải mái hơn.


Tùy cơ ứng biến

Chúng ta đi làm mỗi ngày ít nhất 8 tiếng đồng hồ, tan ca đúng giờ là quyền lợi hiển nhiên nên đừng ngại bị sếp không hài lòng. Mỗi người mỗi việc, bạn xong nhiệm vụ thì hoàn toàn có thể hiên ngang ra về, hoặc nếu chưa xong tiếp tục xử lý vào hôm sau cũng không sai. Thay vì ở lại công ty thêm 1 lúc mà tâm trạng thấp thỏm, nôn nao thì tốt nhất nên trở về nhà, cho bản thân nghỉ ngơi để tiếp tục chiến đấu với công việc. Cấp trên sẽ không đánh giá nếu bạn làm đúng đâu.

Cảm giác được về nhà "xả hơi" sau ngày làm căng thẳng là tuyệt nhất.

Mặt khác, cũng nên cân nhắc tình hình chung của tập thể để có thái độ tốt trong công việc. Mỗi công ty, doanh nghiệp sẽ có khung giờ làm khác nhau, đôi khi vào guồng dự án, tất cả mọi nhân viên miệt mài thâu đêm suốt khác để đảm bảo tiến độ thì việc bạn cứ đúng giờ là về nhà sẽ thể hiện sự thiếu tâm huyết, thiếu tinh thần tập thể. Lúc này, dù năng lực có cao đến đâu nhưng nếu không thể hy sinh vì công việc chung thì sẽ không tránh khỏi bị đồng nghiệp và cấp trên đánh giá thiếu chuyên nghiệp.

Nhưng đôi khi vẫn cần tăng ca để đảm bảo tiến độ công việc chung.

Tóm lại, bạn không sai khi tan làm đúng giờ, song đôi khi cũng nên gác lại lợi ích riêng của mình để vì công việc chung 1 chút, bạn cũng là một mắt xích quan trọng trong tập thể công ty, doanh nghiệp mà. Sếp là người luôn theo sát bạn, có thể họ không quan tâm nếu bạn đến giờ là về, nhưng khi thể hiện tinh thần làm việc cao thì bạn sẽ dễ dàng được quý trọng hơn đấy!


Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào, hãy để lại bình luận phía bên dưới nhé. Và đừng quên cùng yan.vn cập nhật thêm những tin tức hấp dẫn về đời sống và xã hội!

Tan ca đúng giờ là điều tưởng như hiển nhiên nhưng đôi khi khiến bạn thấy áp lực vì khối lượng công việc quá nhiều, không nỡ về nhà. Tuy nhiên, đừng quá quan trọng vấn đề này vì bạn không làm gì sai, bạn chỉ đang thực hiện đúng quyền lợi của mình.

Một người sếp tâm lý sẽ không bao giờ đánh giá nhân viên vì họ ra về đúng giờ, thay vào đó họ sẽ quan sát thái độ và tinh thần, hiệu quả công việc của bạn nhiều hơn. Do đó, dù ra về đúng giờ nhưng đừng lơ đễnh trong công việc, hãy luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao thật tốt nhé!


Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY

Chia sẻ Facebook